Thúc đẩy cạnh tranh công bằng giữa kinh tế chia sẻ và truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu từ dịch vụ đặt xe trực tuyến. Hiện mô hình kinh tế này đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: chia sẻ phòng, du lịch, cho vay ngang hàng dịch vụ sửa chữa điện tử,… Theo nghiên cứu của TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, khung pháp luật hiện nay còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thực tế cho thấy sự nở rộ của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ thời gian qua đã xuất hiện những mỗi lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng. Vụ kiện kéo dài giữa Vinasun và Grab là minh chứng điển hình cho cuộc tranh cãi giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Chỉ đến khi phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng thì những tranh cãi này mới phần nào được giải quyết. Đến năm 2020, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành, trong đó xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh.

Một tình huống pháp lý khác liên quan đến dịch vụ lưu trú, các doanh nghiệp như Airbnb, Luxstay,… là các doanh nghiệp trung gian trong cung cấp nền tảng đặt phòng trực tuyến, hỗ trợ các bên kết nối cũng như thực hiện giao dịch đặt phòng ngắn ngày. Các nền tảng này chủ yếu là nơi kết nối của các chủ nhà có căn hộ hoặc phòng nhàn rỗi cho thuê. Có thể thấy đang có sự thiếu bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú. Trong khi các chủ thể kinh doanh theo phương thức truyền thống đang chịu ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh cũng như thủ tục hành chính kèm theo thì những chủ thể kinh doanh thông qua Airbnb lại không phải chịu những ràng buộc tương tự.

Tại Hội thảo "Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới" được tổ chức mới đây, nghiên cứu của TS. Chu Thị Hoa chỉ ra, sự cạnh tranh không bình đẳng giữa 2 mô hình kinh tế này chủ yếu bởi chi phí tuân thủ của các chủ thể kinh doanh theo 2 mô hình này không giống nhau. Nguyên nhân chủ yếu là môi trường pháp lý về gia nhập thị trường và quản lý hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ chưa rõ ràng, chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp. Tình trạng này đang gây áp lực lớn đối với các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, bổ sung hoàn thiện pháp luật về gia nhập thị trường, về tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh,… đối với kinh tế chia sẻ trong thời gian tới.

Bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó trưởng Phòng điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra một số giải pháp để thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Cụ thể là xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết thực thi pháp luật cạnh tranh; xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho các nền tảng lớn; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp; điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh...

Chuyên đề