Thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Gần 60% doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả khảo sát mức độ hài lòng từ 3.048 doanh nghiệp (DN) đã có trải nghiệm thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (MCQG) và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) năm 2022 vừa được công bố ngày 3/11 cho thấy, 59% số DN tham gia khảo sát vẫn gặp khó khăn khi tuân thủ thủ tục KTCN. DN kỳ vọng có mức độ chuyển biến cao hơn về các thủ tục này trong thời gian tới.
Khâu lấy mẫu kiểm tra được doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn nhiều nhất. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Khâu lấy mẫu kiểm tra được doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn nhiều nhất. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Lắng nghe doanh nghiệp

Khảo sát nói trên do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện. Theo kết quả khảo sát, về mức độ thuận lợi khi tuân thủ thủ tục quản lý và KTCN, không có thủ tục nào được 70% ý kiến DN trở lên cho là “dễ” hay “tương đối dễ”. Khâu lấy mẫu kiểm tra được DN đánh giá thường gặp khó khăn nhiều nhất. Trong khi đó, 59% DN cho rằng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuân thủ thủ tục KTCN như nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp (39%), thái độ của công chức không đúng mực (12%), yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định (5,7%), thời gian duyệt hồ sơ lâu…

Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI, qua khảo sát, các DN phản ánh, hiện vẫn có tình trạng một thủ tục có hai bộ, ngành cùng kiểm tra; hay có sự “vênh nhau” giữa các quy định… gây nhiều khó khăn cho DN. Ví dụ như các quy định pháp lý về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) nhập khẩu (phục vụ cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm định, kiểm nghiệm, viện trợ…), theo Điều 22, 24 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP được miễn đăng ký lưu hành, nhưng theo Điều 48, đối tượng này vẫn phải xin giấy phép nhập khẩu…

So sánh kết quả khảo sát năm 2022 với năm 2019 trở về trước cho thấy, số lượng DN đánh giá có chuyển biến tích cực ít hơn khiến không ít ý kiến lo ngại về động lực cải cách TTHC đang bị chững lại. Một số thủ tục vẫn nửa vời, vừa thực hiện trực tuyến vừa làm thủ công.

Lấy ví dụ với ngành thực phẩm, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng tiểu ban Kỹ thuật thuộc Tiểu ban Dinh dưỡng và Đồ uống (EUROCHAM) nhận xét, từ năm 2018 đến nay (4 năm), trừ Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 2 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, còn lại chưa có thay đổi nào, đa số vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống là hồ sơ giấy.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) quan ngại, đáng lẽ khi thực hiện TTHC trực tuyến thì thời gian và chi phí tất yếu giảm so với phương thức thủ công, nhưng kết quả khảo sát cho thấy điều ngược lại. Dù thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhưng một số thủ tục vẫn không giảm về thời gian (cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT, cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu) và chi phí cho DN (cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi…).

Cần đơn giản hóa quy trình kiểm tra chuyên ngành

Mặc dù ghi nhận nhiều bước tiến của hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nhưng kết quả khảo sát cho thấy, cộng đồng DN vẫn kỳ vọng có mức độ chuyển biến cao hơn về thủ tục quản lý, KTCN trong thời gian tới.

Để tạo thuận lợi cho DN khi tuân thủ các thủ tục KTCN, ông Phạm Ngọc Thạch đề xuất, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải thiện thủ tục quản lý và KTCN của các bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội… Trong đó, cần chú trọng đơn giản hóa các khâu trong quy trình KTCN như: nộp hồ sơ đăng ký KTCN, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra, đặc biệt cần giảm bớt các phiền hà của hoạt động “lấy mẫu kiểm tra” trong các thủ tục quản lý và KTCN về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm…

Một số DN đề xuất cần cắt giảm tình trạng đăng ký lấy mẫu ở nhiều nơi. Nếu hàng hóa thuộc danh mục kiểm tra chất lượng nhà nước thì hàng hóa đó chỉ cần đăng ký tại một tổ chức giám định, chứng nhận hợp quy được chỉ định, thay vì DN phải đăng ký tại nhiều đơn vị. Hoặc là cùng một nội dung lô hàng, có thể gộp thủ tục đăng ký lấy mẫu và yêu cầu kiểm tra chất lượng vào chung một bước khai báo tại một nơi (ví dụ như Cổng thông tin MCQG) để DN không phải truy cập, điền thông tin tại nhiều trang web khác nhau. Đồng thời, cần tiếp tục giảm số mặt hàng và tỷ lệ số lô hàng thuộc diện KTCN.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, nguyên tắc quản lý rủi ro cần được áp dụng đầy đủ và thực chất hơn để tạo điều kiện cho các DN có lịch sử tốt về tuân thủ quy định pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, để giảm gánh nặng cho DN về thời gian và chi phí tuân thủ.

Ngoài ra, các DN đề nghị cơ quan quản lý KTCN có cơ chế giải quyết khiếu nại thực chất cho DN, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ và minh bạch trong việc xử lý cán bộ có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu để giảm chi phí ngoài quy định cho DN.

Chuyên đề