Thủ tục hành chính nhiêu khê, kinh doanh khó bứt phá

(BĐT) - Khôi phục kinh tế hậu Covid-19 là bài toán không dễ dàng. Tại Hội nghị Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) giúp doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày 26/5, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ phải đẩy nhanh cải cách TTHC.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm nền kinh tế cần được tạo đà để bứt phá, khôi phục. Việt Nam đang có nhiều lợi thế cần tranh thủ tận dụng như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp này. Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang có lợi thế đi trước, phục hồi sớm, xuất nhập khẩu dương, lạm phát kiểm soát tốt...

Theo ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VNASME), để thâm nhập vào những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ..., một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao năng lực thực hiện các hiệp định, đáp ứng yêu cầu của đối tác trong chuỗi cung ứng.

Theo nhận định của ông Thân, công cuộc cải cách TTHC đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn trước với nhiều lý do. Rào cản lớn nhất là động chạm tới lợi ích của nhiều người, nhất là cán bộ, công chức. Cải cách TTHC có liên quan mật thiết với cải cách quản lý hành chính nhà nước. Do đó, mô hình quản lý cán bộ, công chức phải thay đổi để tương thích với yêu cầu của thực tiễn; trách nhiệm giải trình phải được coi trọng ở các cấp; xử lý xung đột giữa các văn bản pháp luật... Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích DN số hóa thì mới tính đến hội nhập quốc tế.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), hiện vẫn thiếu sự quyết tâm của người lãnh đạo, người đứng đầu các cấp thực thi chính sách; tâm lý lo ngại nếu thả ra là không quản lý được; tiêu chí đánh giá hiệu quả cải cách TTHC chưa rõ ràng... Trong khi đó, có nhiều lợi ích mang lại từ việc cải cách TTHC như: thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thu hút đầu tư và kinh doanh, giảm chi phí cho cả Chính phủ và DN, đặc biệt là tăng chi phí cơ hội và giảm chi phí không chính thức.

“Không chỉ vậy, cải cách TTHC còn là sự phát hiện, xây dựng văn bản pháp luật, làm chỗ dựa vững chắc, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh mới. Chẳng hạn, nếu có hành lang tốt về kinh tế ban đêm, thì khu vực dịch vụ có thể tăng trưởng 20 - 25%. Hoặc, liệu còn dư địa để tư nhân hóa dịch vụ công, bởi nếu bộ máy nhà nước càng nhỏ gọn thì hoạt động càng năng động, hiệu quả hơn?”, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASME đặt vấn đề.

Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ, khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là quyết tâm cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, chuyển đổi phương thức của các cơ quan hành chính nhà nước làm việc điện tử hóa, phi giấy tờ, làm việc từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin.

Để hỗ trợ cộng đồng DN và người dân, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, từ ngày 12/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia triển khai thêm 6 dịch vụ công, đặc biệt triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các gói an sinh xã hội, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử...

Mục tiêu từ nay đến năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, với quan điểm lấy DN, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Riêng trong năm nay, Chính phủ giao các bộ, ngành phải cắt giảm ít nhất 20% các quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh.

Chuyên đề