Thử nghiệm fintech cần theo hướng mở, minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất mong có một cơ chế thử nghiệm (Sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính, ngân hàng (fintech).
Để đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng, minh bạch, nếu một DN được cho phép thử nghiệm fintech thì các DN có hoạt động tương tự cũng phải được cấp phép thử nghiệm. Ảnh: St
Để đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng, minh bạch, nếu một DN được cho phép thử nghiệm fintech thì các DN có hoạt động tương tự cũng phải được cấp phép thử nghiệm. Ảnh: St

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và thông lệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, việc xây dựng Dự thảo sao cho phù hợp với các mục tiêu chính sách trên, vừa đảm bảo tính công bằng, minh bạch giữa các DN là vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Cách tiếp cận mở, sáng tạo

Trên cơ sở ý kiến của DN và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung cần được thử nghiệm nêu trên là các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động Fintech. Theo đó, cơ chế thử nghiệm sẽ cho phép DN được làm những gì pháp luật chưa cho phép làm và/hoặc thử nghiệm các quy định pháp luật tiềm năng. Do đó, cơ chế thử nghiệm phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; đồng thời dựa trên nguyên tắc đối xử công bằng, minh bạch.

Tuy nhiên, Dự thảo dự kiến chỉ áp dụng đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các hoạt động fintech liên quan đến ngân hàng, tổ chức tín dụng, trong khi khái niệm fintech lại bao gồm cả các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo VCCI, việc quy định như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều hoạt động vẫn thuộc diện fintech nhưng lại không được tiến hành thử nghiệm, ví dụ như các hoạt động ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán, đầu tư chứng khoán, bảo hiểm hoặc kết hợp giữa các lĩnh vực này với lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng. Hơn nữa, nếu cơ chế thử nghiệm chỉ được xem xét trong ngành ngân hàng, DN vẫn có thể gặp rủi ro trong hoạt động khi xuất hiện tình trạng chồng chéo về thẩm quyền, lĩnh vực quản lý giữa NHNN và các bộ, ngành khác.

Vì vậy, VCCI đề xuất, Ban soạn thảo cần nghiên cứu mở rộng việc áp dụng cơ chế thử nghiệm fintech này cho tất cả các DN fintech trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các lĩnh vực fintech tham gia thử nghiệm cũng nên quy định theo hướng mở, chỉ cần chứng minh được các tiêu chí phân loại thì DN có thể được xem xét xin cấp phép. Để tạo thuận tiện cho việc áp dụng, cơ quan soạn thảo có thể đưa một phụ lục về danh sách những lĩnh vực đương nhiên thuộc diện thử nghiệm; còn những lĩnh vực khác có thể được xem xét trong trường hợp cụ thể.

Đảm bảo công bằng, minh bạch

Để đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng, minh bạch, theo ý kiến của VCCI, nếu một DN được cho phép thử nghiệm một hoạt động, thì các DN có hoạt động tương tự cũng phải được cấp phép. Các đề án tham gia cơ chế thử nghiệm phải được công khai, vừa tạo tiền đề để thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng, vừa nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp phép về cơ sở khi công nhận hoặc từ chối một đề án khác, dựa trên các tiêu chí xét duyệt của các đề án trước đó.

Đồng thời, VCCI cho rằng, cũng không nên giới hạn số lượng tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm như quy định trong Dự thảo. Những lý do phải giới hạn số lượng tham gia mà cơ quan soạn thảo đưa ra như: do cơ chế thử nghiệm quy mô nhỏ, nguồn lực cán bộ có hạn, không thể gia hạn và chấp thuận cho tất cả các công ty trên thị trường cùng tham gia... là không phù hợp. Điều này vi phạm quyền tự do kinh doanh của DN được quy định trong Hiến pháp. Việc tham gia vào cơ chế thử nghiệm không chỉ để thử nghiệm mô hình, mà còn nhằm chiếm lĩnh thị trường mới.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực vận tải, việc Grab được cấp phép chính thức trước các đối thủ khác đã tạo điều kiện cho ứng dụng này chiếm lĩnh thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam, bỏ xa các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực. Theo các DN, việc giới hạn số lượng ở cơ chế thử nghiệm có thể tạo ra ưu thế cho một số DN, gây bất bình đẳng cho các DN khác. Hơn nữa, nhiều DN trong lĩnh vực này thực tế đã tồn tại và hoạt động. Nếu chỉ vì giới hạn số lượng, hoạt động của các DN này có thể phải chấm dứt do không được cấp phép thử nghiệm.

Thay vào đó, nhiều ý kiến đề xuất, cơ quan soạn thảo có thể kiểm soát thông qua quy mô phát triển của DN, bằng cách giới hạn các chỉ tiêu kinh doanh của DN ở một ngưỡng nhất định trong giai đoạn thử nghiệm. Ngoài ra, để tạo thuận lợi trong quá trình thực thi, Dự thảo nên bổ sung quy định về trường hợp các DN có nhu cầu thay đổi một số nội dung trong Đề án thử nghiệm đã được phê duyệt như: xuất hiện các tình huống phát sinh trong thực tế cần điều chỉnh, DN đã đạt đến giới hạn trước thời hạn và có nhu cầu nới khung...

Chuyên đề