Thu hút FDI 5 tháng: Việt Nam duy trì sức hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy, Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn, an toàn, một trong những lựa chọn hàng đầu trong làn sóng dịch chuyển FDI. Theo nhiều ý kiến, cơ hội phía trước rất lớn và Việt Nam sẽ cần đi nhanh hơn trong cuộc chiến Covid-19 để bảo toàn những lợi thế có được từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh thời gian qua, đồng thời tạo thêm lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua mới.
Từ đầu năm đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Từ đầu năm đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp tục mở rộng sản xuất

Tháng 5/2021, Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) rót thêm 610 triệu USD vào Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam đặt tại Bình Dương. Không chỉ Far Eastern, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục đặt niềm tin, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Theo số liệu vừa công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng trong 5 tháng đầu năm.

Bộ KH&ĐT nhận định, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp ĐTNN tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong 5 tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Quy mô bình quân của các dự án FDI cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, từ 2,2 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2020 tăng lên 14,4 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2021 và từ 7,9 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 11,3 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn. Đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà ĐTNN tuy vẫn giảm so với cùng kỳ 2020, song mức độ giảm đang được cải thiện dần cả về số lượt cũng như tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm. Khu vực ĐTNN xuất siêu 12,6 tỷ USD (kể cả dầu thô), giúp cả nước xuất siêu khoảng 131 triệu USD.

Trong nhiều cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến được Bộ KH&ĐT tổ chức gần đây, nhiều nhà ĐTNN đánh giá, với sự ổn định về chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô, lợi thế sẵn có và thành công trong khống chế dịch Covid-19, Việt Nam đang là điểm hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế và thực sự đang có làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Bên cạnh đó, tinh thần, cách thức điều hành mới và những hành động của Chính phủ cũng củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư.

Tiếp tục giữ lợi thế, tận dụng cơ hội

Tại một cuộc tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Việt Nam có cơ hội từ việc chuyển chuỗi cung ứng, chiến tranh thương mại và được hưởng lợi nhiều vì đã chứng minh là một đất nước an toàn, ổn định trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, thách thức phía trước là chúng ta có thể mất danh tiếng đó nếu trong năm nay không có bước tiến vượt bậc về tiêm chủng. Ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cần đi nhanh hơn trong tạo ra miễn dịch cộng đồng thông qua một chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả càng nhanh càng tốt.

Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, để tăng sức hấp dẫn ĐTNN trong thời gian tới, cần đặc biệt lưu ý đến hạ tầng, quy hoạch các khu công nghiệp. Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi giá trị, nhưng quy mô khu công nghiệp vài trăm ha, hay 1.000 - 1.500 ha đến nay là không thích ứng nữa. Theo ông Lê Thanh Vân, mô hình khu công nghiệp hiện đại là một chuỗi cung ứng hoàn hảo. Nhiều nước đã có khu công nghiệp quy mô 20.000 - 30.000 ha, do đó, Việt Nam cần tạo lập ra không gian hấp dẫn bằng mô hình mới trong quy hoạch các khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư.

Nhấn mạnh đến vai trò điều hành của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thể hiện sự tin tưởng vào nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép, tinh thần của Thủ tướng, của Chính phủ là phải kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, tăng cường sự chủ động, áp dụng những hình thức rất linh hoạt để phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới sẽ giúp Việt Nam sớm vượt qua được đại dịch và duy trì sức hấp dẫn về ĐTNN cũng như lấy lại đà tăng trưởng. Xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một trong những tâm điểm trong chuỗi cung ứng đó sẽ vẫn là cơ hội lớn với Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới không chỉ mở ra thị trường rộng lớn hơn - điểm rất hấp dẫn đối với nhà ĐTNN, mà còn tác động vào cải cách thể chế. Và khi đẩy mạnh cải cách, tuân thủ những luật chơi hàng đầu trên thế giới về phát triển bền vững, sự minh bạch về mở cửa thị trường, Việt Nam có thể trở thành một trong những môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn nhất

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề