Thu hút đầu tư nước ngoài: Để hai bên cùng thắng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao sáng, một cứ điểm đầu tư mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lớn. Dòng vốn ĐTNN chảy vào nền kinh tế sẽ đóng góp lớn cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, nếu có chính sách phù hợp để tăng liên kết giữa khu vực ĐTNN và doanh nghiệp (DN) trong nước, DN Việt cũng sẽ có thêm cơ hội vươn tầm.
Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Ảnh: Việt Hùng
Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Ảnh: Việt Hùng

Cứ điểm mới

Phục hồi sau đại dịch, 7 tháng đầu năm, lượng vốn ĐTNN thực hiện đã đạt con số cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2022, cao hơn cả hai năm trước dịch. 11,57 tỷ USD vốn thực hiện cho thấy DN ĐTNN đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo bà Đào Thu Trang, Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, qua khảo sát, 93% DN Đức cho biết sức khỏe DN của họ đã đi vào ổn định và kỳ vọng rất cao vào sự phát triển trong thời gian tới. 64% nhận định trong 12 tháng tới DN phát triển hơn nữa, dựa vào nhiều yếu tố về vĩ mô, vào thực trạng hiện tại của DN. DN Đức chia sẻ, lựa chọn Việt Nam vì chính trị ổn định, lao động chất lượng với chi phí cạnh tranh, có hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, vị trí gần với nhiều khách hàng tiềm năng của Đức. Đặc biệt, DN Đức đánh giá cao Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là cú huých giúp họ tăng trưởng tại thị trường Việt Nam.

“Khi Việt Nam mở cửa, hàng tuần chúng tôi tiếp nhiều đoàn DN Đức sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, phần lớn là DN đang đầu tư tại Trung Quốc”, bà Đào Thu Trang cho biết.

Rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn cũng đã, đang có sự quan tâm, kế hoạch chọn Việt Nam để mở rộng sản xuất ngoài Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asia vừa thông tin Apple đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất đồng hồ Apple và MacBook tại Việt Nam. Apple cũng tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam; đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm loa thông minh HomePod tại Việt Nam.

Nikkei Asia dẫn một số ý kiến cho rằng, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi khi “gã khổng lồ” công nghệ tìm cách sản xuất nhiều sản phẩm hơn bên ngoài Trung Quốc. Sự đa dạng hóa của Apple sang Việt Nam bắt đầu với AirPods, được sản xuất hàng loạt vào năm 2020. Từ đó, Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho công ty Mỹ, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.

Cùng với thông tin này, ngày 15/8/2022, Foxconn - đối tác hàng đầu của Apple - đã ký biên bản ghi nhớ thuê hơn 50 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) để tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Foxconn sẽ rót vào dự án mới này 300 triệu USD, sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương.

Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell, Amazon, Samsung… đã thiết lập sản xuất tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 8, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics cho biết, trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD, đầu tư thêm 3,3 tỷ USD và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên; dự kiến khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023...

Để hai bên cùng thắng

Xu hướng thu hút ĐTNN được cho là tích cực với triển vọng lạc quan. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng hơn là Việt Nam cần chọn lọc thu hút dòng vốn có chất lượng cao, có chính sách phù hợp để khu vực doanh nghiệp ĐTNN đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam và có thể lôi kéo, tăng liên kết với khu vực DN trong nước cùng lớn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng hơn là Việt Nam cần chọn lọc thu hút dòng vốn có chất lượng cao, có chính sách phù hợp để khu vực doanh nghiệp ĐTNN đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam và có thể lôi kéo, tăng liên kết với khu vực DN trong nước cùng lớn mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước. Việt Nam cũng có những bất lợi trong cạnh tranh thu hút FDI, do quy mô thị trường nội địa chưa lớn, trong khi nhiều quốc gia ngay sát Việt Nam có lợi thế lớn do đã phát triển đồng bộ về hạ tầng, chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn.

Để chủ động đón dòng vốn chất lượng cao, Bộ KH&ĐT đã xây dựng tiêu chí chọn lọc dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án FDI, những ưu đãi đặc biệt đối với dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tính liên kết lan tỏa lớn... Đây là những công cụ quan trọng để hướng dòng vốn vào những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam cần, khuyến khích khu vực ĐTNN tăng cường liên kết với DN Việt.

Thực tế, khi vào Việt Nam, khu vực ĐTNN đã có đóng góp không nhỏ để tạo công ăn việc làm, xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và cả nước. Trong nhiều năm qua, Samsung đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực cho DN Việt Nam, nhiều DN trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của Samsung. Làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Roh Tae-Moon cho biết dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 DN Việt Nam thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh; đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam…

Bà Đào Thu Trang chia sẻ, DN Đức rất mong muốn đầu tư lâu dài, bền vững và các bên cùng có lợi. Bản thân DN Đức cũng mong muốn liên kết nhiều nhất có thể với DN Việt Nam. Nhiều DN Đức đã đầu tư ở Việt Nam thường xuyên đào tạo nguồn nhân lực trong nước, kết hợp với các nhà cung ứng nội địa đào tạo chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý.

Có thể thấy tự thân DN ĐTNN cũng mong muốn có đối tác phù hợp tại Việt Nam. Nhưng để liên kết mạnh mẽ hơn nữa, vẫn cần thêm những giải pháp và quan trọng nhất vẫn là phải tạo ra được những đối tác có thể liên kết được với DN ĐTNN.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, các chính sách thu hút ĐTNN, phát triển DN nhà nước, DN tư nhân… cần kết hợp với nhau để các khối này đều phát triển được, phát huy liên kết trong nền kinh tế. Trong đó, xây dựng được lực lượng DN tư nhân quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy liên kết. DN lớn mới có tiềm năng trở thành nhà cung ứng cấp 1 của DN ĐTNN, các DN nhỏ và vừa là nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 thông qua DN lớn. Phải theo hệ sinh thái như vậy thì khu vực DN nhỏ và vừa Việt Nam mới có cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN cho rằng, xây dựng DN lớn, DN đầu đàn mới đủ đối trọng, hợp tác một cách bình đẳng với DN FDI.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, DN nhỏ và vừa phải có ý thức vươn lên, đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu cao hơn khi tham gia vào chuỗi cung ứng. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực - một trong những lợi thế để thu hút FDI, cần tiếp tục được cải thiện.

Chuyên đề