Một ASEAN đoàn kết và gắn kết dựa trên sự thấu hiểu, sẻ chia, tiếp nhận và định hướng thông tin-truyền thông mạnh mẽ, an toàn trên không gian mạng cũng như thực tế cuộc sống nhằm thúc đẩy cộng đồng xã hội phát triển phồn vinh, lành mạnh. |
Ngày 22/9, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ASEAN (AMRI) lần thứ 16 chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Đến dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Tổng thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và đại biểu đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khái quát những nhận diện về lĩnh vực Thông tin - Truyền thông. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số đã và đang thúc đẩy lĩnh vực TT&TT thay đổi mang tính cách mạng. Vì vậy, cách làm, cách tiếp cận Thông tin-Truyền thông phải đổi mới, nhưng vẫn phải giữ vững sứ mệnh cốt lõi của truyền thông là: cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức, trao thêm sức mạnh cho con người, phục vụ cho phát triển, tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc, các nước thành viên ASEAN và quảng bá hình ảnh, giá trị của ASEAN ra thế giới. “Hiện nay, thông tin thì quá nhiều nhưng tri thức và sự thấu hiểu thì lại đang có xu thế ít đi. Trong một thế giới đầy thay đổi, quá nhiều thông tin còn có thể gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ.
Truyền thông lúc này cần mang đến những tri thức mới để giúp chúng ta thích ứng nhanh, để sử dụng công nghệ mới cho mục tiêu phát triển và hợp tác, để mang lại năng lượng tích cực, và nuôi dưỡng niềm tin vào một tương lai hòa bình và thịnh vượng của ASEAN và thế giới" – Bộ trưởng TT&TT Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, Chủ đề của Hội nghị ARMI: “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN phản ứng nhanh và có khả năng chống chịu” đã nói lên nhiều điều. Muốn phản ứng nhanh với sự thay đổi thì phải nhanh chóng tìm ra được tri thức mới từ sự thay đổi; Muốn có khả năng chống chịu và hồi phục sau một sự va chạm lớn, sau một thảm họa thì phải được trang bị tri thức mới. Bởi vậy, lĩnh vực thông tin và truyền thông phải chuyển đổi từ việc cung cấp thông tin, tin tức đơn thuần sang cung cấp tri thức và sự thấu hiểu cho người dân để giúp họ tồn tại trong một thế giới biến động, khó lường, phức tạp…
Tiếp nhận những chia sẻ, định hướng và nỗ lực vì một môi trường không gian mạng lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển tích cực, ông Ekkaphab Bhanthavong – Phó Tổng thư ký ASEAN đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách thông tin (AMRI) lần thứ 16 , Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN phụ trách thông tin lần thứ 20 và các cuộc họp liên quan tại thành phố Đà Nẵng.
“Khu vực ASEAN đang nổi lên sau đại dịch, lĩnh vực thông tin và truyền thông đóng một vai trò quan trọng và xuyên suốt trong việc thúc đẩy tầm nhìn cộng đồng ASEAN. Các cuộc thảo luận hiệu quả của SOMRI và cuộc thảo luận của các Bộ trưởng về chủ đề Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức cho một ASEAN tự cường và thích ứng sẽ tạo thêm động lực cho hợp tác khu vực và các định hướng chiến lược để hướng đến phát triển xã hội, bền vững, và toàn diện”- Phó Tổng thư ký ASEAN nhận định.
Tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, thế giới đang ở trong giai đoạn đầy biến động, thông tin được cộng hưởng bởi công nghệ và Internet khiến cho tốc độ lan tỏa, mức độ ảnh hưởng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tác động theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, việc hợp tác thúc đẩy tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác dựa trên năng lực số; biến thông tin thành tri thức để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực là nhu cầu bức thiết hiện nay, ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN.
Qua đó, Phó Chủ tịch nước đề xuất Hội nghị quan tâm thảo luận một số giải pháp nhằm thúc đẩy vào chuyển đối số; nâng cao khả năng tiếp cận internet và kĩ năng số cho người dân; tăng cường quảng bá hình ảnh của ASEAN và các quốc gia thành viên; đẩy mạnh các thông tin chính thống, tích cực; xử lý tin giả, tin sai; quan tâm đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cơ sở để phục vụ người dân, đảm bảo tri thức được lan tỏa rộng khắp và không ai bị bỏ lại phía sau.