Trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, số lượng nhà thầu nước ngoài, dù đã trúng thầu nhưng không cung cấp thông tin về địa chỉ, trụ sở tại Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao. Ảnh: Đức Thanh |
Từ nhà thầu ngoại không có địa chỉ
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, số lượng nhà thầu nước ngoài, dù đã trúng thầu nhưng không cung cấp thông tin về địa chỉ, trụ sở tại Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều trường hợp nhà thầu chỉ cung cấp địa chỉ ở Việt Nam, không có thông tin về địa chỉ tại nước ngoài. Có thể điểm tên một loạt nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu ở Việt Nam nhưng khiếm khuyết thông tin về địa chỉ ở Việt Nam như: Nhà thầu BB Limited (UK), nhà thầu ABNR (Indonesia), nhà thầu Angel Iglesias SA (IKUSI), nhà thầu Aspen Technology, Inc (Singapore)…
Nhà thầu Consortium between Suzhou Dafang Special Vehicle Co., Ltd. and Tuyet Nga Co., Ltd. lại chưa cập nhật địa chỉ tại nước ngoài. Một loạt nhà thầu khác cũng trong tình trạng tương tự như: Eastsea Star Ltd. Fernando Requena (Mỹ), IHI Infrastructure Asia Co., Ltd., Liên danh Công ty hữu hạn cổ phần Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn (WUHUAN), Tập đoàn Công ty hữu hạn Xuất nhập khẩu máy móc Trung Quốc (CMC) và Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp hoá chất (CECO), Liên doanh HYUNDAI Engineering & Construction Ltd. - GHELLA SpA…
Theo một chuyên gia về đấu thầu, hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam nhìn từ góc độ công bố thông tin này đã khá đặc thù. Các trường hợp nêu trên có thể là do nhà thầu chưa đăng ký địa điểm văn phòng làm việc tại Việt Nam. Khi tham gia đấu thầu và trúng thầu, nhà thầu nước ngoài có thể sẽ lập một văn phòng điều hành dự án lưu động ngay tại địa điểm thi công gói thầu. “Tuy nhiên, xét một cách toàn diện và từ góc độ quản lý nhà nước về vấn đề này, rõ ràng, việc các nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu ở Việt Nam nhưng lại không có hoặc chưa có thông tin về địa chỉ làm việc là một lỗ hổng. Điều này cũng sẽ gây ra những bất cập đối với việc quản lý hợp đồng sau đấu thầu. Nếu có sự cố, rủi ro nào xảy ra trong quá trình thực hiện gói thầu, sẽ rất khó khăn cho chủ đầu tư Việt Nam khi liên hệ, làm việc với các nhà thầu này. Điều này sẽ càng gặp nhiều cản trở nếu nhà thầu bất hợp tác” - chuyên gia này quan ngại.
Nhà thầu nội không có hình ảnh
Một số tổng thầu có “tên tuổi” trong đội ngũ nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện nay có độ minh bạch thông tin lớn về năng lực, kinh nghiệm và thông tin về các gói thầu đã, đang thi công. Có thể điểm tên như Coteccons, Hòa Bình, Delta, Thuận Việt, An Phong… đều công bố hồ sơ năng lực chi tiết với những công trình đã thực hiện. Rất nhiều gói thầu do các nhà thầu này làm tổng thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đây là một kênh tham khảo rất hữu ích cho các chủ đầu tư khi tổ chức mời thầu và muốn tìm hiểu kỹ hơn về năng lực, kinh nghiệm thực của các nhà thầu.
Đại diện Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án TP. Mỹ Tho cho rằng, với nhiều chủ đầu tư, việc xác định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu hoàn toàn phụ thuộc vào những gì nhà thầu kê khai trong hồ sơ năng lực. “Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhưng trên Internet hoàn toàn không có thông tin chính thống của nhà thầu. Các nhà thầu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, trung bình hầu như không có website riêng để giới thiệu hình ảnh. Có nhà thầu thì xây dựng website cho có rồi để đó” - đại diện Ban này cho biết.
Từ góc độ nhà thầu, ông Võ Văn Bé, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt cho rằng, uy tín và thương hiệu của mỗi nhà thầu thể hiện rõ nhất qua kết quả thực hiện gói thầu mà họ đảm nhận. “Việc xây dựng hình ảnh của các nhà thầu bằng những thông tin minh bạch, rộng rãi trên website chính thức của nhà thầu cũng rất quan trọng cho việc chứng minh năng lực thực của nhà thầu. Mọi chủ đầu tư, bên mời thầu hoàn toàn có thể tham khảo, kiểm chứng trên website của nhà thầu”.
Giám đốc kênh bán hàng của Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương Matthew Heller nhận định, doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng những thành quả của làn sóng cách mạng số để hỗ trợ việc kinh doanh, đầu tư, tìm kiếm cơ hội phát triển. “Tỷ lệ doanh nghiệp vận dụng thành công sức mạnh Internet còn quá thấp. Trong khi đó, hơn 80% số doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tận dụng và sử dụng hiệu quả công cụ của cách mạng số” - ông Matthew Heller chia sẻ. Các chuyên gia về công nghệ thông tin đều cho rằng, yếu kém trong việc ứng dụng cách mạng số vào công tác đấu thầu sẽ hạn chế tính cạnh tranh của chính nhà thầu. “Đây cũng chính là lỗ hổng lớn gây nên tình trạng thiếu minh bạch thông tin trong đấu thầu, do chính nhà thầu gây ra”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM khẳng định.