Dự thảo mới nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đề xuất giảm 53 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện so với Danh mục hiện hành. Ảnh: Tiên Giang |
Giảm số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Dự thảo Luật dự kiến bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hợp nhất 28 ngành, nghề thành 10 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi của 31 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung 11 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ còn 214 ngành, nghề (giảm 53 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).
Liên quan đến sự cần thiết phải loại bỏ một số dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, từ đó tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động kinh doanh.
Theo ông Tuấn, các dự án thuộc lĩnh vực vận tải hàng không, vận tải đường biển, kinh doanh cảng hiện đang thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư. Đề xuất loại bỏ một số dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 lĩnh vực nêu trên được đưa ra nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Bên cạnh việc loại bỏ, để đảm bảo tính hiệu quả trong triển khai một số dự án, Dự thảo Luật cũng đề nghị bổ sung một số loại dự án vào nhóm các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, như dự án nằm trên địa bàn hai tỉnh (loại dự án này hiện đang thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh). “Theo quy định hiện hành thì mỗi địa phương sẽ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư trên địa bàn của tỉnh mình theo thẩm quyền. Điều này không đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp dự án nằm trên địa bàn hai tỉnh” - ông Tuấn cho hay.
Đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cũng nêu quan điểm: “Câu chuyện thủ tục có minh bạch, rõ ràng hay không có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ các rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam”.
Chọn lọc dự án đầu tư
Trước yêu cầu mới về thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư phải đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế giai đoạn mới, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh quy định, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất ở địa bàn nhạy cảm, dự án sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sẽ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Quy định này nhằm chọn lọc được những dự án đầu tư có chất lượng, công nghệ tốt và bảo vệ môi trường.
Dự án Luật cũng làm rõ tính pháp lý của quyết định chủ trương đầu tư theo hướng quy định rõ quyết định chủ trương đầu tư là một bước do các cơ quan quản lý thực hiện trong quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Một điểm đáng chú ý khác được đưa ra trong Dự thảo Luật lần này là đề xuất sửa đổi, bổ sung hàng loạt các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường tại 12 luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư…). Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chuỗi thủ tục liên quan đến nhiều lĩnh vực “nóng”, đang được số đông người dân, DN và nhà đầu tư rất quan tâm hiện nay.