Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trao đổi với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại cuộc họp báo chung ở Geneva hôm 9/9. Ảnh:Reuters |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov hôm 9/9 tại Geveva, Thụy Sĩ, thông báo đôi bên đã thống nhất một bản thỏa thuận ngừng bắn cho Syria, bắt đầu có hiệu lực từ hoàng hôn ngày 12/9. Nếu lệnh ngừng bắn đứng vững trong 7 ngày, Mỹ và Nga sẽ khởi động hợp tác chống tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và tổ chức Jabhet Fateh al-Shams (tên cũ là Mặt trận Nusra) có liên hệ với al-Qaeda, theo New York Times.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp trực tuyến vào tuần trước, ông Carter cùng một số quan chức chính phủ đã lên tiếng phản đối thỏa thuận. Điều này đặt ông Kerry vào thế lúng túng. Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama tán thành thỏa thuận ngừng bắn sau vài tiếng tranh luận, các quan chức Lầu Năm Góc vẫn hoài nghi. Hôm 13/9, họ thậm chí còn không nhất trí về việc phối hợp với Nga chống IS.
"Tôi sẽ không nói đồng tình hay phản đối. Vẫn còn quá sớm để khẳng định chúng tôi sẽ nhiệt tình hưởng ứng khả năng phối hợp nói trên", trung tướng Jeffrey L. Harrigian, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Không quân Mỹ, cho biết.
Các quan chức Nhà Trắng cũng tỏ ra hoài nghi. "Tôi nghĩ chúng tôi có lý do để nghi ngờ việc Nga có thể hoặc đã sẵn sàng thực hiện thỏa thuận đúng như cách nó được mô tả. Rồi chúng ta sẽ thấy thôi", Josh Earnest, thư ký báo chí Nhà Trắng, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/9.
Theo ông Kerry, chính quyền Mỹ cần làm tất cả mọi việc trong khả năng nhằm ngăn chặn lực lượng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục dội bom dân thường. Khi Nga can dự vào cuộc chiến ở Syria, Mỹ buộc phải dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin để người Nga thúc ép ông Assad ngừng không kích.
Di sản chính trị
Đối với Ngoại trưởng Kerry, tìm cách giảm bạo lực ở Syria và cuối cùng đạt một thỏa thuận chính trị để ông Assad rời khỏi bộ máy chính quyền là mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với di sản chính trị cũng như danh tiếng của ông.
Nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình Trung Đông, dự án lớn đầu tiên mà ông Kerry thực hiện ở cương vị ngoại trưởng Mỹ, đã sụp đổ trước khi ông hoàn tất năm làm việc đầu tiên. Nỗ lực lớn tiếp theo của ông là thỏa thuận hạt nhân với Iran, thành công hơn nhiều vì cuối cùng, ông đã tìm được cách để thuyết phục Iran chuyển hầu hết vật liệu hạt nhân ra khỏi nước và tháo dỡ các cơ sở hạt nhân chủ chốt.
Tuy nhiên, thỏa thuận về Syria, như ông Kerry thừa nhận ở Bộ Ngoại giao ngày 12/9, phức tạp hơn nhiều, một phần là vì có quá nhiều bên tham chiến ngoài Washington và Moscow. Ông thừa nhận riêng với các trợ lý và bạn bè rằng ông tin thỏa thuận này sẽ không có kết quả.
Nhưng Ngoại trưởng Mỹ cũng giải thích thêm rằng ông quyết tâm xây dựng thỏa thuận ngừng bắn để bản thân ông và Tổng thống Obama không phải rời nhiệm sở với thất bại trong nỗ lực hạ nhiệt cuộc nội chiến Syria.
Ngày đầu tiên thực hiện lệnh ngừng bắn trôi qua mà không xảy ra bất kỳ vi phạm đáng chú ý nào nhưng bầu không khí nghi kỵ sâu sắc vẫn bao trùm ở các khu vực đang bị chiến tranh tàn phá, người dân cùng các nhóm giám sát ở Syria cho hay.
Tâm lý trên một phần xuất phát từ sự chậm trễ trong việc chuyển hàng cứu trợ của Liên Hợp Quốc đến thành phố Aleppo và một số vùng chiến sự khác, nơi người dân đang trong tình cảnh thiếu thốn thực phẩm và thuốc men trầm trọng. Cứu trợ các vùng này là một nội dung quan trọng trong thỏa thuận ngừng bắn.
Phát biểu với các phóng viên ở Geneva, Đặc sứ Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura ghi nhận bạo lực đã giảm đáng kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tuy nhiên, ông cho hay các xe tải chở hàng cứu trợ của Liên Hợp Quốc tới Aleppo vận xếp hàng ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vì chưa nhận được bảo đảm an toàn.
Lầu Năm Góc lo ngại
Tổng thống Syria Bashar Assad (thứ 4 từ trái sang) bước trên đường phố với một nhóm quan chức chính phủ ở Daraya, vùng ngoại ô Damascus. Ảnh:AP
Hai bình luận viên Helene Cooper và David E. Sanger từ NYTimes nhận định khác biệt lập trường giữa ông Kerry và Carter phản ánh mối mâu thuẫn cố hữu trong chính sách Syria của Tổng thống Obama. Ông chủ Nhà Trắng đang hứng chỉ trích vì không chịu can thiệp mạnh mẽ hơn vào cuộc nội chiến Syria. Việc không triển khai lực lượng bộ binh Mỹ đến Syria cũng tạo cơ hội để Nga đảm nhận vai trò lớn hơn tại đây, cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán.
Kết quả là đúng vào thời điểm Mỹ và Nga ở thế đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ bỗng nhận chỉ thị trong vòng một tuần phải chia sẻ thông tin tình báo cho đối thủ số một của mình.
"Tôi vẫn nghi ngờ về việc hợp tác với Nga", tướng Philip M. Breedlove, người vừa rời chức tư lệnh đồng minh tối cao ở châu Âu của NATO chia sẻ trong cuộc phỏng vấn ngày 12/9.
Một trong những mối lo ngại lớn của Lầu Năm Góc là liệu chia sẻ thông tin với Nga có thể làm lộ cách Mỹ sử dụng thông tin tình báo để thực hiện các vụ oanh kích, không chỉ ở Syria mà còn tại những nơi khác, hay không.
Tuy nhiên, theo các cố vấn trong nhóm nội bộ của ông Kerry, nguy cơ này không cao bởi Nga hiện không muốn sa lầy ở Syria và sẽ hợp tác với Mỹ ở một mức độ nào đó bởi họ cũng đang phải đối mặt với nhiều mối căng thẳng khác.
Cả hai nước từng hợp tác trong quá khứ nhưng chủ yếu là trên bàn đàm phán. Các nhà ngoại giao Mỹ và Nga đã làm việc với nhau để tiến đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Họ cũng cùng nỗ lực để đạt một thỏa thuận lâu dài nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng không thành công.
Khi Nga can thiệp quân sự vào Syria hồi năm ngoái, hai nước đã nhất trí đàm phán để giảm xung đột quân sự. Thế nhưng các cuộc đàm phán này bị hạn chế về phạm vi, chỉ tập trung bảo đảm rằng chiến đấu cơ Mỹ và Nga sẽ không ngáng trở nhau trên bầu trời Syria. Một quan chức Lầu Năm Góc khi ấy nói cuối cùng, đàm phán giảm xung đột đã mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, quân đội hai nước vẫn duy trì lập trường đối đầu ở những khu vực khác. Việc Crimea sáp nhập vào Nga cũng như cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến chính quyền Tổng thống Obama phải gia tăng vũ khí hạng nặng, xe bọc thép và những khí tài khác đến các nước NATO ở Trung và Đông Âu. Đây được cho là một động thái nhằm răn đe Nga. Phương Tây từ lâu cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng ly khai miền đông Ukraine khiến căng thẳng gia tăng, song Moscow một mực phủ nhận.
"Theo quan điểm của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ trên khắp thế giới đang phải chịu đựng cách hành xử không chuẩn mực từ quân đội Nga. Nói chung, hai bên thiếu sự tin tưởng lẫn nhau", Derek Chollet, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh.