Để đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án PPP ưu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn tối thiểu cần huy động từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước là khoảng 700.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Thách thức lớn do nguồn lực hạn hẹp
Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, nhu cầu vốn thực hiện dự án PPP là rất lớn nhưng việc bố trí vốn cho công tác chuẩn bị và tham gia đầu tư các dự án PPP chỉ đáp ứng được một phần rất hạn chế. Sơ bộ nhu cầu vốn dành cho 600 dự án PPP do các bộ, ngành và địa phương đăng ký ban đầu trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.000.000 tỷ đồng và tổng giá trị nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP khoảng 100.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn là rất lớn, nên khả năng bố trí được đang là một thách thức rất lớn.
Một cán bộ của Vụ Kế hoạch và Đầu tư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, nguồn vốn trung hạn rất hạn hẹp, không có dự án mới nào được bố trí vốn, và cũng không còn nguồn để bố trí cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP.
Ngay cả nguồn vốn chuẩn bị dự án PPP, theo nhiều đơn vị, cũng rất khó bố trí vốn để chuẩn bị tốt các dự án trước khi đưa ra thị trường. Bộ KH&ĐT nhận định, việc các bộ, ngành, địa phương chưa dành đủ nguồn lực để chuẩn bị và tham gia đầu tư các dự án PPP là nút thắt chính trong việc chuyển đổi các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước sang hình thức đầu tư PPP. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo việc đẩy mạnh giải pháp bố trí, huy động các nguồn lực công, bao gồm cả ODA cho mô hình này.
Nguồn lực quan trọng dành cho dự án PPP là nguồn vốn vay thương mại cũng đang rất hạn chế. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, để đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án PPP ưu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn tối thiểu cần huy động từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước khoảng hơn 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vốn tín dụng trong nước cho vay các dự án BOT chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông đã rất lớn. Theo thống kê của Bộ GTVT, con số này là trên dưới 180 nghìn tỷ đồng.
Nhiều ý kiến chuyên gia, cũng như Kiểm toán Nhà nước, cho rằng, trong bối cảnh vốn tín dụng trong nước chủ yếu có thời hạn ngắn, trong khi cho vay dự án hạ tầng lại có thời hạn dài đã dẫn đến những rủi ro không nhỏ về khả năng hoàn trả vốn vay đúng hạn, kéo theo nhiều lo ngại về sự bảo đảm an toàn tín dụng. Bên cạnh đó, khả năng thu xếp các nguồn vốn để cho vay của các tổ chức tín dụng trong nước cũng đã gần ở mức tới hạn khi Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có các văn bản yêu cầu siết cho vay các dự án BOT.
Đối với vốn tín dụng thương mại nước ngoài, Bộ KH&ĐT đánh giá, thực tiễn triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông trong thời gian qua cho thấy, các tổ chức tín dụng nước ngoài đều có sức ép về các cơ chế bảo lãnh các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ,… Từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, nhiều nhà đầu tư cũng đã chia sẻ khó khăn này, coi đây là rào cản lớn để tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Cần sự quyết liệt tháo gỡ
Hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài là giải pháp then chốt được nhiều chuyên gia gợi ý nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới. Kinh nghiệm triển khai thành công ở các nước cho thấy, trong giai đoạn sơ khai hình thành thị trường và chỉ số tín nhiệm còn thấp thì đa số các nhà cung cấp tài chính đưa ra những đòi hỏi bảo lãnh rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu,... Khi đã phát triển được thị trường ở mức tốt hơn thì có thể từng bước gỡ bỏ những ràng buộc này. Với định hướng giám sát và quản lý chặt chẽ nợ công, bao gồm cả các cơ chế bảo lãnh, tại thời điểm này, Bộ KH&ĐT nhận thấy vẫn cần nghiên cứu để có cơ chế tận dụng phạm vi còn lại trong giới hạn trần để dành cho các dự án đầu tư là động lực của phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ quyết liệt trong việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và sử dụng các công cụ tài chính, công cụ bảo đảm, bảo lãnh rủi ro cho các dự án PPP, đồng thời, khơi thông nguồn vốn chuẩn bị dự án PPP.
Hiện nguồn vốn chuẩn bị dự án PPP vay từ các nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là nguồn vốn rất quan trọng cho việc triển khai mô hình đầu tư PPP tại Việt Nam trong thời gian tới. Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phía Việt Nam tích cực khơi thông việc giải ngân nguồn vốn này thông qua việc cho phép ghi kế hoạch trung hạn các dự án sử dụng vốn từ Quỹ chuẩn bị dự án (PDF) và không yêu cầu quay vòng.