Việc sớm thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án là để sớm ổn định cuộc sống của người dân. Ảnh: Nguyễn Công Thanh |
Người dân 6 xã mong mỏi
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, đã có quy hoạch từ năm 2005, ảnh hưởng đến đời sống và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư địa phương.
Người dân sống trong vùng Dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ… do quyền sử dụng đất bị hạn chế bởi quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, việc sớm thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án không những để sớm ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, mà còn nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc tách ngay nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án tại thời điểm hiện nay, trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ giúp Dự án được triển khai bảo đảm tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, đồng thời tiết kiệm được kinh phí và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực Dự án.
Điều tra khảo sát, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Chính phủ cho biết, dự kiến thu hồi 5.614,65 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017).
Chính phủ chưa làm rõ nguồn vốn
Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác GPMB cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu. Do đó, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực thực hiện, trong đó lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của Dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016 - 2020.
Theo đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai), xây dựng Đề án thì đơn giản nhưng quá trình thực hiện mới khó. Đại biểu Năm lấy ví dụ về việc xác định giá đất khi đền bù giải phóng mặt bằng có khả thi không khi giá đất tăng nhanh, có nơi đã tăng 10 - 18 lần (khoảng 2 - 3 triệu/m2).
Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (đoàn Thái Bình) cho biết, ngay từ khi “phôi thai”, giá đất tại khu vực Dự án đã tăng lên. Tỉnh Đồng Nai cũng đã có những quy hoạch xung quanh vùng Dự án, có nhà đầu tư, có doanh nghiệp tư nhân vào “chấm chỗ” đã tạo áp lực cho giá đất tăng lên. Mặc dù sân bay chưa hình thành nhưng đất đã được “chấm hết”. Vậy Tỉnh phải biến những lợi thế từ những vùng xung quanh Dự án thành những khu đô thị, khu dân cư phát triển để khi sân bay xong rồi thì có thể đi vào hoạt động luôn những khu vực dịch vụ xung quanh cho đồng bộ.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) bày tỏ quan điểm, vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đó là phải phát triển quỹ đất tại khu vực xung quanh Dự án để có cái bù đắp nguồn vốn đầu tư.
Cũng liên quan đến thu hút nhà đầu tư, đại biểu Lê Hồng Tịnh (đoàn Đồng Nai) nhận định, tại Quốc hội khóa XIII, tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khoảng 18,8 nghìn tỷ đồng. Nhưng khi tính toán theo phương án giá của năm 2017 đã thêm 5.000 tỷ đồng (là 23 nghìn tỷ đồng). Do đó, đại biểu Tịnh cho rằng, nên đầu tư bồi thường, hỗ trợ, tái định cư duy nhất 1 lần và không nên kéo dài nữa. “Mình làm khi có đất sạch, mình có điều kiện thu hút được nhà đầu tư cho những hạng mục có thể thu hút được”.