Căn hộ mức giá khoảng 1 tỷ đồng luôn được rất nhiều khách hàng quan tâm. Ảnh: Tiên Giang |
Căn hộ dưới 1 tỷ đồng rất hiếm!
Thị trường BĐS ở TP.HCM đang có sự phát triển lệch pha giữa cung và cầu khá nghiêm trọng. Bất chấp những cảnh báo, hiện phân khúc BĐS cao cấp vẫn đang tăng trưởng mạnh, có dấu hiệu cung vượt cầu, trong khi đó, những dự án có mức giá khoảng 1 tỷ đồng ngày càng khan hiếm, đặc biệt là tại những vị trí dễ dàng kết nối vào trung tâm, khiến cho phần lớn khách hàng có nhu cầu thật phải “đứng ngoài cuộc”.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, ở TP.HCM, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 14.000 căn hộ chào bán, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên trong đó phân khúc trung - cao cấp chiếm tới 81%. Lý do các doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc giá rẻ là vì phân khúc cao cấp thường có biên lợi nhuận cao, và nhu cầu ở phân khúc này sẽ tăng trưởng mạnh khi kinh tế khởi sắc. Ngược lại, để phát triển căn hộ xấp xỉ 1 tỷ đồng, chủ đầu tư phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp để chia sẻ với khách hàng bị hạn chế về tài chính, đặc biệt phải có lợi thế nhất định về quỹ đất và có tầm nhìn dài hạn hơn.
Ông Trần Minh Nhật, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Thời Đại, đơn vị phát triển Dự án Heaven Riverview cho biết, để có mức giá chỉ từ 800 triệu đồng/căn chưa VAT, đáp ứng cho nhu cầu thực của thị trường, chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Kinh doanh nhà An Phúc đã nhanh tay thu gom được quỹ đất giá tốt từ nhiều năm trước. Khi triển khai dự án, đơn vị thi công được chọn là Công ty CP Xây dựng số 5 (SC5), cũng là cổ đông chính góp vốn vào dự án trên nên đã tận dụng tối đa kinh nghiệm xây dựng và tiết kiệm nhiều chi phí. Đây là những lợi thế không nhỏ làm giảm giá thành và giá bán ra.
Sẽ xuất hiện nhiều căn hộ từ 1 đến 1,5 tỷ đồng?
Theo dự báo của các chuyên gia BĐS, giai đoạn cuối năm 2016 sẽ xuất hiện nhiều căn hộ giá rẻ trên dưới 1 tỷ đồng. Đặc biệt, để cạnh tranh, các sản phẩm này tuy có mức giá phù hợp nhưng chủ đầu tư cam kết sẽ đạt chuẩn cao hơn phân khúc mà họ đang bán. Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Him Lam Land cho biết, trong năm 2016, Him Lam có kế hoạch mở bán ra thị trường phân khúc 1 - 1,5 tỷ đồng với gần 2.000 căn hộ, tập trung ở các trục đường chính như đại lộ Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội, tuyến đường Song Hành, đại lộ Võ Văn Kiệt… Để đưa ra được mức giá như trên, Him Lam đã chủ động cơ cấu lại diện tích căn hộ chỉ từ 60 - 65 m2. Mặt khác, Him Lam chọn các vị trí không phải nằm ngay trung tâm mà chọn phát triển chuỗi căn hộ này trên các đường chính dễ kết nối với trung tâm và tránh kẹt xe.
Thực tế cho thấy, hiện nay trên thị trường bắt đầu có sự dịch chuyển về phân khúc nhà vừa túi tiền, hay còn gọi là phân khúc giá trung bình. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư cho rằng, đây là một phân khúc rất tiềm năng bởi nguồn cung đang thấp nhưng nhu cầu cao. Tuy nhiên, đầu tư vào phân khúc này cũng khó vì không dễ tìm được quỹ đất phù hợp. Do đó, chủ đầu tư cần phải có sự chuẩn bị công phu và tầm nhìn dài hạn. Ngoài kinh doanh, phân khúc này còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và hạn chế sự lệch pha cung - cầu trên thị trường BĐS.
Một điều rất quan trọng đối với khách hàng khi mua nhà ở phân khúc này chính là phải có phương thức vay và lãi suất phù hợp. TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho hay, hiện nay, các ngân hàng cho vay thường có hai hình thức trả nợ, đó là trả góp theo dư nợ giảm dần và trả lãi hàng kỳ, gốc trả cuối kỳ. Tuy nhiên, phương thức trả góp định kỳ theo dư nợ giảm dần được cho là phù hợp hơn với nhu cầu mua nhà để ở và khách hàng có nguồn thu nhập ổn định, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí trả lãi cũng như giảm áp lực trả nợ cuối kỳ.