Thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng: Tháo gỡ căn cơ để phát huy hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc tách giải phóng mặt bằng (GPMB) thành một dự án độc lập đang được một số bộ, cơ quan, địa phương đề xuất thí điểm đối với một số dự án nhóm B, nhóm C. Mặc dù việc tách GPMB thành dự án riêng có thể đem lại hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng nếu không tháo gỡ được những vướng mắc cố hữu thì tình trạng ách tắc có thể xảy ra tại chính dự án GPMB.
Các trình tự, thủ tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai dù được tách thành dự án độc lập hay là một bước trong quá trình thực hiện dự án tổng thể. Ảnh: Lê Tiên
Các trình tự, thủ tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai dù được tách thành dự án độc lập hay là một bước trong quá trình thực hiện dự án tổng thể. Ảnh: Lê Tiên

Đề xuất thí điểm với dự án nhóm B, nhóm C

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề xuất dự án thí điểm có quy mô dự án nhóm B, nhóm C áp dụng chính sách tách công tác GPMB thành dự án độc lập. Đến ngày 3/4/2024, Bộ KH&ĐT nhận được văn bản của 13 bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương. Theo đó, có 2 bộ và 14 địa phương đề xuất dự án thí điểm với tổng số 44 dự án, trong đó 9 dự án chưa có chủ trương đầu tư được phê duyệt. Tổng mức đầu tư của các dự án là 22.181 tỷ đồng, số vốn bố trí hoặc dự kiến bố trí cho công tác GPMB của các dự án là 9.582 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề xuất các bộ, ngành, địa phương, Bộ KH&ĐT đã rà soát, xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C.

Theo Bộ KH&ĐT, việc tách công tác GPMB ra khỏi dự án đầu tư tổng thể có thể đạt được một số lợi ích thực tế như tạo điều kiện triển khai công tác GPMB ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, thực hiện đồng thời với các bước khác, đẩy nhanh hoàn thành dự án; tạo điều kiện đẩy nhanh việc xây dựng khu tái định cư… Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý để cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tách công tác GPMB với dự án nhóm B, nhóm C; tạo điều kiện để sớm bố trí kế hoạch vốn thực hiện công tác GPMB, không phải chờ đến khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án tổng thể...

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập là nội dung tương đối mới, số lượng dự án được áp dụng còn ít, quy mô thu hồi đất khá đa dạng, thời gian thí điểm chưa lâu, dẫn đến việc khó bóc tách, đánh giá hiệu quả cụ thể đối với công tác GPMB nói riêng và việc thực hiện dự án tổng thể nói chung. Do đó, để có căn cứ đánh giá cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất chỉ áp dụng chính sách thí điểm này đối với các dự án do các bộ, địa phương đề xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Các bộ, địa phương phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp được Quốc hội cho phép thí điểm. Việc thực hiện cần có thời hạn cụ thể, bảo đảm tính khả thi, đi kèm với đánh giá, so sánh với các dự án tương đồng sau quá trình thí điểm.

Hai bộ và 14 địa phương đã đề xuất 44 dự án thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Ảnh: Nhã Chi

Hai bộ và 14 địa phương đã đề xuất 44 dự án thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Ảnh: Nhã Chi

Tổ chức thực hiện đóng vai trò quan trọng

Quốc hội đã cho phép thực hiện tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với một số dự án quan trọng quốc gia như Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM...

Trên thực tế, việc thực hiện các dự án GPMB được tách riêng có kết quả không đồng đều.

Đối với Dự án Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng không đạt kế hoạch đặt ra là hoàn thành năm 2021, phải kéo dài thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2024. Việc chậm tiến độ có liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá...

Đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM..., tuy chưa đáp ứng yêu cầu bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2023, nhưng cũng khá tích cực. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải vào cuối tháng 3/2024, Dự án Đường Vành đai 4, Hà Nội đã thu hồi khoảng 98%, Hưng Yên khoảng 85%, Bắc Ninh trên 95%. Với Dự án Vành đai 3 TP.HCM, TP.HCM đã thu hồi đạt 98%, Đồng Nai đạt 88%, Long An 98%, riêng Đồng Nai mới đạt khoảng 34%.

Theo một số chuyên gia, dù tách thành dự án độc lập hay là một bước trong quá trình thực hiện dự án tổng thể, các trình tự, thủ tục triển khai công tác GPMB, thu hồi đất vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Thực tiễn triển khai các dự án đầu tư công thời gian qua cho thấy, việc chậm trễ trong GPMB do nhiều nguyên nhân, như nguồn gốc đất không rõ ràng, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện GPMB như khung giá bồi thường chưa sát với giá thị trường; cơ chế, chính sách đền bù thay đổi trong quá trình thực hiện; quy trình, thủ tục còn phức tạp…

Trong cùng một mặt bằng chính sách, có thể thấy kết quả nhiều dự án, nhiều nơi là khác nhau, phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của người đứng đầu và ý chí, nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai.

Tháng 7/2020, Quảng Ninh phát động chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành GPMB tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Toàn tuyến dài trên 80 km với hơn 1.000 hộ dân thuộc diện thu hồi nhưng chỉ sau 15 ngày triển khai, tổng số hộ dân tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng đạt 100%. Bài học từ chiến dịch này, theo Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng và phục vụ lợi ích của nhân dân, trong công tác GPMB phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ trong nhân dân…

Thông tin tại một tọa đàm, ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, với Dự án Vành đai 4, công tác GPMB, tái định cư được xác định là khâu trọng điểm của trọng điểm. Để có được kết quả GPMB tích cực, ông Phan cho rằng, yếu tố quan trọng là phát huy vai trò người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân...

Tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ KH&ĐT nhận định, để phát huy hiệu quả của việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập, trong quá trình triển khai dự án đầu tư công, cần căn cứ đặc điểm, tính chất, yêu cầu, khả năng thực hiện của bộ máy quản lý và triển khai đối với từng dự án cụ thể. Đồng thời, nếu không giải quyết được các vấn đề căn cơ, cốt lõi trong chính việc thực hiện công tác GPMB, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các các cấp, các ngành thì vẫn có thể gặp vướng mắc tại chính dự án GPMB được tách riêng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư