Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Quy chế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của từng địa phương trong Vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Quy chế này quy định thí điểm liên kết phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020.
3 lĩnh vực liên kết
Theo Quy chế, có 3 lĩnh vực liên kết:
1- Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Vùng gồm: Lúa gạo, trái cây và thủy sản.
2- Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
3- Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng sông, cảng biển.
Nhân rộng mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp
Về phát triển sản xuất, liên kết giữa các địa phương trong việc lựa chọn các chương trình, dự án liên kết phát triển sản xuất có tính chất lan tỏa trên địa bàn các địa phương trong Vùng.
Bên cạnh đó, lựa chọn, nhân rộng một số mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp; mô hình điểm chuyên canh và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Tổ chức liên kết nông dân với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết nông dân với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa; thực hiện liên kết xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; liên kết trong nghiên cứu, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng, sắp xếp, lựa chọn, xây dựng một số công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực liên kết nêu trên có tác động lan tỏa, tạo đột phá thu hút đầu tư, làm động lực phát triển Vùng.
Ngân sách trung ương hỗ trợ vốn tối thiểu 10%
Theo Quy chế, ngân sách trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong Vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết khi có đủ điều kiện đầu tư theo quy định.
Xây dựng kế hoạch vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án liên kết. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước để triển khai các chương trình, dự án liên kết theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP).
Kinh phí sự nghiệp để triển khai các hoạt động thí điểm liên kết thực hiện theo quy định hiện hành; vận động hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tự nguyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.