Sự chậm trễ trong triển khai Dự án Thép Guang Lian Dung Quất đã nhiều lần khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Đức Thanh |
Số phận của Dự án Thép Guang Lian Dung Quất, vốn đầu tư hiện tại là 3 tỷ USD sẽ sớm được định đoạt, với việc UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chính thức ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án này.
Một trong những kết luận quan trọng nhất, xét về mặt tổng thể Dự án, đến thời điểm tháng 6/2016 là “đủ điều kiện để Nhà nước thực hiện thu hồi hết diện tích đất đã cho thuê và không phải bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Cùng với đó, đến tháng 5/2016, nếu nhà đầu tư vẫn không có khả năng thực hiện Dự án theo tiến độ đã đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định thì cũng “đủ điều kiện để Nhà nước đơn phương chấm dứt hoạt động Dự án”.
Nghĩa là xét cả về phương diện quản lý, sử dụng đất đai lẫn tiến độ thực hiện, thì Dự án Thép Guang Lian Dung Quất đã đến hồi “khai tử” và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để ra quyết định này.
10 năm và 337 ha đất hoang phí
Thép Guang Lian Dung Quất được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 7/2005, sau đó được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2006, với vốn đầu tư ban đầu là 556 triệu USD cho giai đoạn I, quy mô 2 triệu tấn thép/năm, sử dụng 209 ha đất. Khi đó, cam kết của nhà đầu tư (Tycoons - Đài Loan) là Dự án sẽ hoàn thành sau 36 tháng.
Tuy nhiên, 10 năm qua, chủ đầu tư Dự án chỉ liên tục “xoay vần” với 5 lần xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để tăng vốn, nâng công suất, thay đổi pháp nhân. Ban đầu chỉ Tycoons, sau có thêm E-United (Đài Loan), rồi đến năm 2012 có thêm sự xuất hiện của Tập đoàn JFE Nhật Bản. Cuối cùng, năm 2015, JFE lại xin rút.
Vốn đầu tư cũng liên tục được xin điều chỉnh, từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, rồi sau khi JFE tuyên bố không theo đuổi Dự án nữa, lại xin điều chỉnh xuống 2 tỷ USD. Cùng với điều chỉnh quy mô vốn đầu tư và công suất, diện tích đất cũng liên tục được “xin thêm”… Ở thời điểm này, Dự án có vốn đầu tư 3 tỷ USD, vẫn do Tycoons và E-United làm chủ đầu tư, diện tích đất đã được bàn giao là 337 ha.
Sự chậm trễ trong việc triển khai Dự án đã nhiều lần khiến dư luận bức xúc và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đã không ít lần cảnh báo thu hồi. Mọi chuyện càng thêm rắc rối kể từ khi JFE không tham gia nghiên cứu đầu tư dự án này nữa. Khi đó, Công ty Guang Lian, pháp nhân được lập ra tại Việt Nam để triển khai Dự án, tuyên bố tiếp tục tái khởi động Dự án vào cuối năm 2015, quy mô giảm xuống 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận, các cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu chủ đầu tư làm rõ tính phù hợp và tính khả thi của kế hoạch tái khởi động, trong đó có yêu cầu trình thỏa thuận vay vốn của ngân hàng, cũng như giải thích rõ về phương án tiêu thụ sản phẩm và khả năng cạnh tranh…
Giữa năm 2015, Tycoons bất ngờ có văn bản nêu rõ: “Căn cứ vào giá thị trường sắt thép ở thời điểm hiện tại, cũng như trong 5-10 năm tới, thì hiệu quả của Dự án Guang Lian Dung Quất là không khả thi, công tác vay vốn ngân hàng cũng đối diện với nhiều nhân tố không xác định”. Vì vậy, chủ đầu tư đề xuất không tiếp tục đẩy mạnh Dự án.
Sau văn bản này, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã thông báo tạm dừng triển khai và các bước triển khai tiếp theo đối với Dự án để hỏi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Cuối tháng 11 năm ngoái, Quảng Ngãi đã một lần nữa có văn bản thông báo không cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 5 cho Dự án và đề nghị chủ đầu tư có văn bản tự nguyện chấm dứt hoạt động Dự án và tiến hành thanh lý tài sản theo quy định. Cũng cuối năm 2015, Quảng Ngãi quyết định thực hiện việc thanh tra đối với dự án này.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, bất ngờ, tháng 3/2016, chủ đầu tư lại có văn bản thể hiện quyết tâm và kế hoạch tái khởi cộng Dự án, với công suất 5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, hoàn thành trong vòng 42 tháng.
Sự “dập dình” của chủ đầu tư khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bao phen lao đao. Đất bỏ phí khiến dân bức xúc, trong khi lại không thể thu hút được nhà đầu tư khác.
Ván bài cuối cùng
Guang Lian đã “chơi” ván bài cuối cùng khi nhất quyết xin tái khởi động Dự án. Tuy nhiên, quá trình thanh tra của Quảng Ngãi cho thấy nhiều cơ sở để tỉnh chấm dứt hoạt động của dự án này. Chỉ xét về chuyện quản lý và sử dụng đất, theo kết quả thanh tra, Guang Lian đã “vi phạm Luật Đất đai 2013”.
Cụ thể, trong tổng diện tích mặt bằng mà chủ đầu tư dự định xây nhà máy, khu vực diện tích đất hơn 222 ha được giao từ tháng 10/2007 chậm tiến độ tới 40 tháng. Những phần còn lại, tùy thời gian giao đất, chỗ thì chậm tiến độ 28 tháng, nơi đã đủ điều kiện để thu hồi theo Luật Đất đai.
Tiến độ thực hiện Dự án cũng không “khá khẩm” hơn, khi theo cam kết cuối cùng, giai đoạn I hoàn thành tháng 10/2010, giai đoạn II hoàn thành 10/2012, thì tính đến thời điểm thanh tra là tháng 2/2016, thời hạn chậm tiến độ giai đoạn I là 64 tháng, giai đoạn II là 40 tháng. Nhà đầu tư đã không thực hiện Dự án theo tiến độ đã đăng ký, cũng không thuộc trường hợp giãn tiến độ thực hiện. Thực tế thì nhà đầu tư cũng đã tự dừng triển khai thi công trên mặt bằng nhà máy từ tháng 5/2013, còn trên khu nhà ở công nhân là từ tháng 8/2014 đến nay.
Ngay cả việc thực hiện góp vốn cũng chậm trễ. Cho đến ngày 18/1/2016, con số mới chỉ là 43,35 triệu USD, bằng 7,2% vốn cam kết ban đầu. Còn phần vốn vay 2,4 tỷ USD thực tế dù có nhiều ý định thư, nhưng cũng chưa có ngân hàng nào chấp thuận ký hợp đồng tín dụng cho nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án. Chính bản thân Tycoons cùng đã thừa nhận việc này.
Trong bối cảnh như vậy, ván bài Guang Lian nên chấm dứt. Chính vì thế, cùng với kết luận thanh tra, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất có văn bản tham vấn các cơ quan Trung ương liên quan về Dự án, trong đó thể hiện rõ quan điểm là đề nghị xử lý chấm dứt hoạt động Dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Thời gian thực hiện chậm nhất là ngày 30/6/2016.
Dự án sẽ bị thu hồi toàn bộ diện tích đã cấp, đồng thời thực hiện thanh lý tài sản theo quy định, ưu tiên giải pháp thương thảo nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.
Hiện tại, nhà đầu tư đã chi 426,47 tỷ đồng cho việc triển khai Dự án. Còn ngân sách cũng đã bỏ ra trên 179 tỷ đồng để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.