Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Qua đó, nâng số vốn FDI đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh đạt 40,99 tỷ USD, với 6.485 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực.
Cụ thể, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 713 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,3 tỷ USD (so cùng kỳ tăng 45,3% về số dự án).
Đồng thời, có 174 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 465,6 triệu USD. Đáng chú ý, theo ghi nhận vốn đầu tư nước ngoài đưa vào thực hiện đạt trên 47.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015.
Thành phố cũng chấp thuận cho 1.900 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký ước đạt 1,9 tỷ USD.
Theo thủ tục góp vốn, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp (vốn điều lệ) thường thấp hơn rất nhiều so với tổng vốn đầu tư của dự án theo cách thống kê trước đây.
Về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của các dự án FDI cấp mới, kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (40,9%) với 326,8 triệu USD; tiếp theo là Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy chiếm 30,8% với 245,8 triệu USD; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,6% với 85,04 triệu USD; Thông tin và truyền thông chiếm 5,6% với 45,05 triệu USD.
Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (32,5%) với 259,7 triệu USD; kế đến là Nhật Bản chiếm 15,5% với 123,4 triệu USD; Singapore chiếm 13,6% với 108,5 triệu USD.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã tiến hành xây dựng trình tự thủ tục và biểu mẫu để thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Đến nay, đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với 25 nhà đầu tư với tổng số tiền ký quỹ khoảng 1,17 tỷ USD.
Về kế hoạch thực hiện thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, Thành phố đang tiến hành hỗ trợ nhà đầu tư để hoàn thành thủ tục đầu tư, đồng thời tập trung giải quyết nhanh các hồ sơ đã và đang tiếp nhận để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án.
Cụ thể, các dự án do Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố cấp đăng ký đầu tư như dự án Nipro Pharma (Nhật Bản) với vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD; dự án Vivian Holdings (Hàn Quốc) với vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD; dự án Makino (Singapore) với vốn đầu tư dự kiến 4 triệu USD.
Các dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư gồm có Tòa nhà văn phòng-Khách sạn-Thương mại dịch vụ khi phức hợp Sài Gòn-Ba Son (Cayman Islands) với vốn đầu tư 220 triệu USD; Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ 21 (Nhật Bản) với vốn đầu tư 24,49 triệu USD.
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ tháng 10/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đưa vào hoạt động thử nghiệm Chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến, bước đầu áp dụng với Thủ tục Thông báo góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn.
Với Chương trình này, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được thời gian đi lại, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ; đồng thời kết quả hồ sơ sẽ được trả cho doanh nghiệp trong thời hạn 7 ngày làm việc, giảm 1/2 thời gian xử lý theo quy định (15 ngày làm việc).