Thế giới trong dòng chảy chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đối số không tự nhiên diễn ra. Đó là một chiến lược phát triển mà nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm thực hiện, tạo nên dòng chảy siết hướng về tương lai. Giữa dòng chảy tất yếu này, sự bùng phát của dịch Covid-19 giống như một chất xúc tác khiến quá trình chuyển đổi càng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Hệ thống thông tin của Cục Hải quan Malaysia cho phép chia sẻ thông tin hiệu quả, rút ngắn thủ tục và phối hợp thực chất giữa tất cả các cơ quan liên quan đến quá trình thông quan
Hệ thống thông tin của Cục Hải quan Malaysia cho phép chia sẻ thông tin hiệu quả, rút ngắn thủ tục và phối hợp thực chất giữa tất cả các cơ quan liên quan đến quá trình thông quan

Cục diện thay đổi

Covid-19 đã làm thay đổi cục diện toàn cầu. Thương mại thế giới sụt giảm 13 - 35% trong năm 2020 (theo ước tính của WTO), ngay cả khi phục hồi trong những tháng gần đây. FDI trên toàn thế giới năm 2020 ước tính giảm 30 - 40% (UNCTAD).

Có thể nói, đại dịch Covid-19 là một cú huých đối với chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ranh giới ngành nghề đang tan biến, các ngành mới đang xuất hiện và các mô hình kinh doanh quen thuộc đang thay đổi.

Một ví dụ điển hình của số hóa đất nước là tại Estonia - Cộng hòa số đầu tiên trên thế giới. Tất cả các tương tác và giao dịch khác giữa công dân và chính quyền, cũng như giữa các cơ quan và bộ ngành ở Estonia đều được số hóa. Các giao dịch này trong hầu hết trường hợp đều được thực hiện trực tuyến và bảo đảm an toàn ở mức bảo mật cao nhất hiện có. Trong gần 20 năm sử dụng hệ thống này, Estonia không bị xâm phạm lần nào và hệ thống chưa bao giờ bị “sập”. Hơn nữa, hệ thống của Estonia được thiết lập để chính quyền không bao giờ yêu cầu người dân cung cấp bất kỳ thông tin nào mà họ đã có. Đây chính là quy tắc “chỉ một lần”, không bao giờ công dân bị hỏi lại lần thứ hai các thông tin cá nhân.

Ông Toomas Hendrik Ilves, nguyên Tổng thống Estonia giai đoạn 2006 - 2016 chia sẻ câu chuyện số hóa đã diễn ra tại quốc gia này và nguyên nhân bắt đầu: “Estonia bước vào con đường số hóa chính phủ như thế nào và tại sao lại làm như vậy? Chủ yếu đây là về vấn đề phát triển, hay chính xác hơn là kinh tế học phát triển, để bắt kịp phương Tây. Năm 1938, năm cuối cùng trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Estonia và nước láng giềng phía Bắc của mình là Phần Lan có cùng mức GDP bình quân đầu người. Không quốc gia nào trong hai quốc gia đặc biệt giàu có và trình độ phát triển rất gần nhau. Trái lại, vào năm 1992, năm đầu tiên sau khi nền độc lập của Estonia được khôi phục, GDP bình quân đầu người của Phần Lan đã đạt xấp xỉ 24.000 USD, trong khi của Estonia chỉ là 2.800 USD, chênh lệch đến hơn 8,5 lần.

Hơn nữa, giống như trường hợp của tất cả các nước đang phát triển, Estonia phải đối mặt với một nghịch lý của Zeno về chàng Asin nhanh chân phải đuổi kịp con rùa chậm chạp đã xuất phát trước anh ta. Trong nghịch lý này, giống như Asin, chúng tôi sẽ không bao giờ bắt kịp vì con rùa đó đã xuất phát trước. Tương tự, tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới, dù sao cũng sẽ tiếp tục phát triển, và do vậy, mãi mãi vẫn đi trước chúng tôi dù chúng tôi có làm gì đi chăng nữa”.

Bởi vậy, đối với Estonia, cũng như những quốc gia xuất phát sau, giải pháp để bắt kịp nằm ở số hóa đất nước. Đây là lý do Estonia thực hiện chiến lược chuyển đổi số kể từ những năm 90. Đến nay đa phần các thủ tục hành chính tại quốc gia này đều có thể thực hiện trực tuyến, trừ một số thủ tục đặc biệt.

Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, câu chuyện chuyển đổi số đã sớm được nhận diện và tập trung nguồn lực để phát triển. Châu Âu thiết lập khung khổ chính trị với định hướng tập trung vào chuyển đổi số thông qua các khung chính sách kinh tế và hỗ trợ có mục tiêu cho các công ty.

Theo ông Winfrid W. Messmer, Chủ tịch Uỷ ban Lĩnh vực số (Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam), châu Âu, điển hình là Đức, đã tạo khung khổ ở cấp độ khu vực và toàn cầu cho số hóa từ năm 2015. Bởi cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế kỹ thuật số không thể là vấn đề giới hạn ở cấp độ quốc gia. Có sự trao đổi lẫn nhau và các điều kiện khung khổ tương đồng là điều kiện cần thiết, quan trọng để các công ty duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới và có thể hợp tác ở châu Âu cũng như toàn cầu.

Trong Chương trình “Những đổi mới cho sản xuất, dịch vụ và công việc của ngày mai” với hợp phần “Tương lai của việc làm” từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức đã hỗ trợ việc thành lập một tổ chức của các trung tâm năng lực vùng trên toàn quốc để nghiên cứu về việc làm, đặc biệt là tại các trường đại học khoa học ứng dụng. Các trung tâm này là đối tác vùng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các lĩnh vực thiết kế công việc có liên quan chặt chẽ đến phát triển các sản phẩm mới (kỹ thuật số) và mô hình kinh doanh dựa trên các công cụ số được tài trợ.

Đẩy mạnh công cụ số

Trong dòng chảy chuyển đổi số, công cụ số là chất xúc tác được nhấn mạnh để cải thiện hiệu quả các hoạt động kinh tế. Theo ước tính hiện nay, chi phí hành chính trong thương mại cao gấp 2 lần chi phí vận chuyển container. Số hóa có thể giảm nhanh các chi phí này do chu kỳ đổi mới tương đối ngắn so với các công nghệ khác.

Chẳng hạn, để thuận lợi hóa thủ tục tại biên giới, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KSC) đã phát triển hệ thống thông quan điện tử tên gọi UNI-PASS. Hệ thống này đã tin học hóa các thủ tục hải quan và tạo điều kiện cho việc tự động hóa quá trình thông quan. Đây là giải pháp cho thực trạng gia tăng về khối lượng thương mại và số lượng người di chuyển qua biên giới trong điều kiện hạn chế về nguồn lực sẵn có. Nhờ hệ thống này, KSC có thể xử lý điện tử cho 430 triệu tờ khai và 50 triệu người mỗi năm.

Tương tự, Hệ thống thông tin của Cục Hải quan Malaysia, còn gọi là uCustoms, cho phép chia sẻ thông tin hiệu quả, rút ngắn thủ tục và phối hợp thực chất giữa tất cả các cơ quan liên quan đến quá trình thông quan.

Tại các quốc gia, số hóa thành công khi chính phủ nhanh chóng cung cấp dịch vụ công mà người dân ưa thích. Ví dụ: kê khai thuế dễ dàng, đơn thuốc kỹ thuật số, bất kỳ điều gì làm đơn giản hóa các tương tác với bộ máy hành chính (đăng ký khai sinh, mua bảo hiểm y tế cho trẻ em, đăng ký xe ô tô hoặc gia hạn giấy phép lái xe).

Có thể thấy, dòng chảy chuyển đổi số đã hình thành từ sớm và ngày càng trở thành dòng chảy chính trên toàn cầu.

“Cuối cùng, số hóa sẽ diễn ra trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp và sự đông đúc trong các cơ quan chính phủ đã thúc đẩy số hóa nhanh hơn những gì người ta đã từng nghĩ trước khi xảy ra khủng hoảng. Những chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Những quốc gia đó sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới chắc chắn sẽ nảy sinh cho dù có thực hiện số hóa hay không”, ông Toomas Hendrik Ilves bình luận. Khả Doanh tổng hợp

Chuyên đề

Kết nối đầu tư