Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là sản phẩm của thế kỷ 20. Cách tính này nảy sinh từ thời kỳ Đại suy thoái hồi thập niên 30, và đến nay là công cụ không thể thiếu của các Chính phủ và ngân hàng trung ương trong việc quản lý kinh tế.
Tuy nhiên, vấn đề là dù tính bằng sản xuất, thu nhập hay chi tiêu, GDP đang ngày càng cho thấy chỉ số này khó bắt kịp tốc độ thay đổi kinh tế hiện nay. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện tại là tìm cách khiến thước đo kinh tế này phù hợp với mục đích sử dụng hơn.
"Anh có thể dễ dàng chỉ trích GDP. Nhưng thay nó cũng khó lắm. Nếu các Chính phủ đang quản lý nền kinh tế theo cách này, có thể nói đã đến lúc tìm một cách đo khác bao quát hơn", Paul Sheard - kinh tế trưởng tại S&P Global cho biết.
GDP Mỹ qua các lần điều chỉnh có sự khác biệt rõ rệt, đặc biệt so với lần cuối cùng.
Ambit Capital - một công ty chứng khoán ở Mumbai (Ấn Độ) còn tự tạo ra một chỉ số tiêu dùng, dựa trên doanh số bán xe và điện năng tiêu thụ trong nước, để dùng thay các số liệu tăng trưởng chính thức. Điều này phản ánh sự ngờ vực về các công cụ đo lường hiện tại.
Tuần này, Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Thu nhập và Của cải sẽ họp tại Đức. Trọng tâm của sự kiện này là những nghiên cứu về bình đẳng thu nhập, biến đổi công nghệ và chuẩn mực sống - những lĩnh vực khó có thể đọc ra từ các bản báo cáo GDP.
Một vấn đề khác là số liệu GDP điều chỉnh ngày càng cách xa GDP sơ bộ. Việc này làm dấy lên nguy cơ các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định sai lầm. Theo một báo cáo hồi tháng 7 của kinh tế trưởng Paul Donovan và nhà phân tích Sophie Constable thuộc UBS, các số liệu đang ngày càng được điều chỉnh với tần suất dày hơn, và sai số cũng lớn hơn.
Đây là vấn đề lớn, do số liệu sơ bộ sẽ khiến thị trường "đi sai hướng". Và vì giá tài sản thường biến động theo số liệu kinh tế vĩ mô, "các ngân hàng trung ương sẽ phải rất cảnh giác với phản ứng quá đà của thị trường sau các chính sách của họ".
Tuần trước, Thống đốc Fed Atlanta - Dennis Lockhart còn công khai nghi ngờ liệu số liệu GDP Mỹ quý II có thực sự phản ánh đúng hoạt động hiện tại không. Quý trước, GDP Mỹ tăng 1,2%. Đến thứ Sáu tuần này, họ sẽ công bố số liệu điều chỉnh.
Nhật Bản cũng gặp vấn đề tương tự, với số liệu của Văn phòng Nội các (xanh) khác xa BOJ (đỏ).
Còn ở Nhật Bản, một nghiên cứu mới của Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) cho thấy họ không hề tăng trưởng âm năm 2014 như báo cáo của Văn phòng Nội các. Trái lại, nền kinh tế thực ra đã đi lên khá mạnh. Cơ quan này đang cố gắng tính toán số liệu chính xác hơn, như tự lập chỉ số tiêu dùng riêng. Thống đốc Haruhiko Kuroda cũng thường xuyên kêu gọi phải có số liệu sát hơn nữa.
Tại Anh, một báo cáo độc lập hồi tháng 3 của cựu nhân viên Ngân hàng Trung ương Anh - Charles Bean cũng kêu gọi cải tổ dữ liệu quốc gia này. "Chúng ta cần cập nhật các thống kê kinh tế, hoặc chấp nhận rủi ro bỏ lỡ những thứ quan trọng chỉ vì các số liệu chính thức này", Bean cho biết. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Chính phủ New Zealand cũng có quan điểm tương tự.
Sự thay đổi về công nghệ cũng đang làm dấy lên tranh cãi liệu các hoạt động diễn ra trên thế giới có được đo đạc đầy đủ và chính xác. Ví dụ, việc thanh toán trước đây thực hiện tại quầy, thì nay đã chuyển sang online. Và các khoản tiền này nằm ngoài phạm vi tính toán của các chỉ số bán lẻ truyền thống.
Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng 6 tìm ra rằng dù cách tính GDP có được cập nhật để thích ứng với nền kinh tế kỹ thuật số, nhiều thách thức vẫn còn tồn tại. Tác giả của báo cáo - Nadim Ahmad và Paul Schreyer cho biết giá trị của Airbnb gần bằng Hilton Worldwide Holdings, nhưng ảnh hưởng từ hoạt động chia sẻ nhà ở của hãng này lên GDP rất khó đo đếm.
Một số dịch vụ kỹ thuật số khác cũng khó đong đếm, nhưng có ảnh hưởng lớn tương tự là Wikipedia và Linux. Bên cạnh đó, công nghệ còn thay đổi nhiều nữa, đồng nghĩa các thách thức với GDP sẽ ngày càng tăng. McKinsey Global Institute cho biết Mỹ mới hiện thực hóa 18% tiềm năng kỹ thuật số, và có thể bổ sung tới 2.200 tỷ USD vào GDP hằng năm.
Dù có nhiều vấn đề, GDP vẫn là chỉ số chưa thể thay thế được. "Tôi chưa tìm được bằng chứng nào cho thấy GDP đã hoàn toàn không còn tác dụng", Frederic Neumann - trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings cho biết.
"Cách đo này bỏ qua rất nhiều thứ. Nhưng đó là trên lý thuyết. Còn trên thực tế, những nước có GDP cao vẫn làm tốt hầu hết những điều mà mọi người coi là thực sự quan trọng", Justin Wolfers – giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan kết luận.