Thắp sáng ngọn lửa sáng tạo và khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang kiến tạo môi trường và những yếu tố thuận lợi cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói chung và đầu tư sáng tạo khởi nghiệp nói riêng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết và thúc đẩy các doanh nghiệp tạo sản phẩm tốt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để trụ vững và vươn tầm…
Năm 2023, FPT đạt doanh thu xuất khẩu phần mềm 1 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc thứ hai thế giới về xuất khẩu phầm mềm. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2023, FPT đạt doanh thu xuất khẩu phần mềm 1 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc thứ hai thế giới về xuất khẩu phầm mềm. Ảnh: Tiên Giang

Những ước mơ thành hiện thực

Là một trong những diễn giả được mời truyền lửa cho các sinh viên ngành công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn tại Tọa đàm: “Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới” diễn ra cách đây ít ngày, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT tự hào khi kể về hành trình phát triển của FPT - một trong những startup tiên phong của Việt Nam hiện trở thành tập đoàn công nghệ lớn của nước ta và thế giới.

FPT được thành lập từ năm 1988 từ nhóm 13 nhà khoa học trẻ với khát vọng xây dựng một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia. Năm 1998, FPT quyết định tìm hướng đi mới là toàn cầu hóa và xuất khẩu phần mềm.

Trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, FPT không chỉ cung cấp dịch vụ gia công cho đối tác nước ngoài, mà còn có thể tư vấn, cung cấp những giải pháp, dịch vụ trọn gói theo các xu hướng công nghệ mới. Từ làm thầu phụ, giờ đây FPT đã là tổng thầu của những dự án lớn với đội ngũ nhân sự hơn 30.000 người tại hơn 30 quốc gia.

Số liệu từ FPT cho thấy, giai đoạn từ 2016 đến nay, cả doanh thu và lợi nhuận mảng xuất khẩu phần mềm của FPT đều liên tục tăng trưởng hai chữ số, trong khoảng 20 - 30% mỗi năm. Năm 2023, FPT đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên doanh thu từ hoạt động xuất khẩu phầm mềm vượt 1 tỷ USD (đạt 24.288 tỷ đồng).

Ông Tiến cho hay, ở lĩnh vực công nghệ mới là chip và bán dẫn, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 mới đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình “khoe” đã bán 70 triệu chip cho khách hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. “Đây là những tiền đề để chúng ta có tương lai phát triển lớn hơn”, ông Tiến nói.

Cũng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, sau hành trình phát triển hơn 10 năm, đến nay, ví điện tử MoMo đã chính thức chạm mốc hơn 30 triệu người dùng, ghi tên mình vào danh sách Top 100 Fintech thế giới (do Klynveld Peat Marwick Goerdeler công bố) và nằm trong danh sách những startup thành công ở Việt Nam về mảng tài chính online…

Ông Đoàn Tử Tích Phước, đồng sáng lập, Trưởng đại diện Văn phòng phía Bắc của MoMo chia sẻ, để có được thành công ngày hôm nay, Công ty đã phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng hoạt động nạp tiền điện thoại, bán thẻ điện thoại. Tại thời điểm nguồn tiền dần cạn kiệt, Ban điều hành Công ty nhìn thấy một xu hướng kinh doanh mới khi điện thoại thông minh ra đời. “Chúng tôi dốc nguồn tiền cuối cùng đổi sản phẩm tích hợp ví trên điện thoại sang mô hình app trên điện thoại thông minh... Quyết định đầu tư đó đã thành công nhờ xu hướng thay đổi của công nghệ”, ông Phước kể.

Một doanh nghiệp khác - BenKon - startup trong lĩnh vực công nghệ tiết kiệm năng lượng được thành lập năm 2020 với mục tiêu giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng tối ưu hóa và giảm tiêu thụ năng lượng từ hệ thống máy lạnh đến nay đã gặt hái không ít thành công. Thời gian qua, giải pháp của BenKon giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm đến 50% lượng điện tiêu thụ. Năm 2023, BenKon được lựa chọn trở thành giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất Việt Nam. Ông Bùi Dũng, đồng sáng lập BenKon cho biết; đến nay, BenKon đã có thêm những khách hàng lớn và đang mở rộng thị phần ra khu vực phía Bắc.

Tương lai rộng mở

Quý đầu tiên của năm 2024 đã qua, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo (KNST) như một “ngọn lửa đang âm ỉ cháy”, chỉ cần môi trường và “chất xúc tác” thuận lợi là có thể bùng lên mạnh mẽ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông đánh giá, hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức tích cực. Việt Nam là một điểm sáng TOP đầu khu vực Đông Nam Á trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT nhận định, năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để thúc đẩy thu hút đầu tư vào KNST, bởi phần lớn các quỹ đầu tư đang nhắm vào startup công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt làm chủ các công nghệ, nhất là công nghệ mới ngày càng tốt hơn. “Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng mở rộng danh mục đầu tư vì họ coi Việt Nam là mảnh đất tiềm năng về khởi nghiệp”, ông Thịnh lạc quan.

Về dài hạn, ông Thịnh cho rằng, triển vọng thu hút vào KNST cơ bản tích cực vì Việt Nam vẫn trong chu kỳ tăng trưởng tốt; mức độ trưởng thành của hệ sinh thái đang tăng dần sẽ khiến các nhà đầu tư chú ý hơn. Một số lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư đang được Việt Nam thúc đẩy đó là trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, giáo dục…

Để thúc đẩy “ngọn lửa” KNST trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đang kiến tạo môi trường và những yếu tố thuận lợi cho ĐMST nói chung và đầu tư KNST nói riêng. Nhiều chính sách khuyến khích KNST đã được ban hành và bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế để thúc đẩy hoạt động đầu tư vào KNST, nhất là thể chế cho những ngành công nghệ mới nổi. Trong đó, chính sách phải có điểm vượt trội so với những chính sách thu hút đầu tư thông thường.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính... để hỗ trợ startup yên tâm đầu tư phát triển các ý tưởng kinh doanh. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động KNST, bởi các startup rất cần những nhân sự thực sự tài năng...

Về phía các doanh nghiệp startup, cần có sản phẩm tốt để thu hút dòng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Đứng trước những cơ hội phát triển lớn đang rộng mở đối với các lĩnh vực công nghệ mới, ông Hoàng Nam Tiến tin tưởng, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu, chinh phục thế giới. “Tôi tin rằng, chỉ cần 5 năm nữa, người ta sẽ nhắc tới Việt Nam là nơi cần đến, phải đến khi nói về chip và bán dẫn”, ông Tiến lạc quan.

Chuyên đề