Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch

(BĐT) - Để triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất, cần phải thống nhất cách hiểu trong thực hiện Luật Quy hoạch để tập trung triển khai lập các quy hoạch trong thời kỳ mới, phục vụ điều hành của các bộ, ngành và địa phương, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Việc bãi bỏ một số quy định của ngành, lĩnh vực trong khi chưa lập quy hoạch mới ảnh hưởng lớn đến đầu tư phát triển của TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Việc bãi bỏ một số quy định của ngành, lĩnh vực trong khi chưa lập quy hoạch mới ảnh hưởng lớn đến đầu tư phát triển của TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Chậm trong triển khai

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Luật Quy hoạch là công cụ rất quan trọng giúp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đề ra định hướng chiến lược, mục tiêu, xác định các động lực, không gian phát triển của mỗi ngành, vùng, địa phương và cả quốc gia. Việc xây dựng các quy hoạch này để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác các nguồn lực của đất nước một cách tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo cho phát triển kinh tế.

Hơn một năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, qua đó cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, thực tế một số khái niệm còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau dẫn đến sự lúng túng trong áp dụng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ sau 6 tháng triển khai Luật Quy hoạch, có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 của 5 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương) chưa thể ban hành vì chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó, có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm chưa thể ban hành. Gần 370 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch, tập trung ở các dự án lưới điện, điện mặt trời, các dự án xử lý rác thải điện.

Chia sẻ về những khó khăn tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM đã hoàn thành đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn 2025 trình Ban Thường vụ Thành ủy và được thống nhất chủ trương lập quy hoạch mới thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045.

Trong quá trình triển khai, TP.HCM gặp phải 4 khó khăn. Thứ nhất, việc bãi bỏ một số quy định của ngành, lĩnh vực trong khi chưa có quy hoạch mới được lập đã ảnh hưởng lớn đến đầu tư, khuyến khích và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ hai, chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn trình tự lập, phê duyệt chủ trương cũng như bố trí vốn cho việc lập quy hoạch. Việc này dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong bố trí nguồn ngân sách cho các dự án quy hoạch, chậm tiến độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch của cấp tỉnh và thành phố phải căn cứ vào các quy hoạch cao hơn, trong khi những căn cứ quan trọng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch không gian quốc gia… lại chưa ban hành chính thức. Điều này gây khó cho quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, cấp thành phố.

Thứ tư, chưa có quy định về bố trí nguồn kinh phí cho công tác lập quy hoạch. 

Đề xuất các giải pháp quan trọng

Theo Bộ KH&ĐT, trong hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, các văn bản pháp luật về quy hoạch đã được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành và triển khai thực hiện lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Việc tổ chức phổ biến và tập huấn nội dung liên quan đến pháp luật về quy hoạch đã được triển khai cho các bộ, ngành và địa phương.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành và địa phương khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Trong đó, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch để thống nhất cách hiểu trong thực hiện Luật Quy hoạch; hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ ban hành Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ...

Các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để phục vụ điều hành và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Ngoài ra, đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các quy hoạch hiện có và triển khai xây dựng các quy hoạch mới mang tính tổng thể, dài hơi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng bộ, ngành và quy định của Luật Quy hoạch. Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết số 11. Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ định hướng, giải pháp liên quan đến trình tự lập quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch; chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành để hướng dẫn các bộ, địa phương triển khai thực hiện Luật và thành lập Hội đồng Quy hoạch quốc gia; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng quốc gia.

Chuyên đề