Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh: Ba kiến nghị từ doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khó khăn của doanh nghiệp (DN) đang gia tăng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai. Nếu các DN tạm ngừng kinh doanh không cơ cấu lại được hoạt động và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài thì số lượng DN chờ giải thể có thể tăng cao.
Doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội dành cho người lao động. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội dành cho người lao động. Ảnh: Lê Tiên

Do đó, các chính sách hỗ trợ được xây dựng trong thời gian tới cần hướng đến việc củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho DN.

Nhận diện khó khăn của DN

Kết quả khảo sát DN lần 3 (từ 13 - 16/8/2020) từ 15 hiệp hội và 349 DN trong nước và nước ngoài của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) cho thấy, tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần hai đối với DN đặc biệt lớn. 20% số DN được khảo sát trả lời là phải tạm dừng hoạt động; 76% DN không cân đối được thu chi; 2% DN đã giải thể; chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đặc biệt, hơn 47% số DN được khảo sát cho biết phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ DN cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33% số DN được khảo sát.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), khoảng 20% DN thành viên (khoảng 1.600 DN) tạm dừng hoạt động và 10% số DN giải thể... Phần lớn DN nhỏ và siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé sa thải 100% lao động, DN lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động, DN du lịch lớn sa thải trung bình 40 - 50% lao động.

Một vấn đề đáng lưu tâm là sự suy giảm niềm tin của DN, hiệp hội DN về hiệu quả của các chính sách đã ban hành. Các DN cho biết khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa sát thực tế, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước mới giải ngân được khoảng 11.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ 25% trong số 700.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất bởi khó khăn trong chứng minh các điều kiện, đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ.

Củng cố niềm tin, tạo động lực cho DN

Từ kết quả khảo sát và tổng hợp các kiến nghị chính sách của cộng đồng DN, Ban IV đưa ra 3 đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.

Các DN và hiệp hội DN đề xuất Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập DN cho tất cả các DN trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Đồng thời, giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021 và gia hạn thời gian đóng so với quy định hiện hành…

Đối với gói hỗ trợ lần 1, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành để điều chỉnh và giảm các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý. Đồng thời, giao các bộ, ngành nghiên cứu tham mưu việc xây dựng, thực hiện các gói chính sách giúp DN tiết giảm được dòng tiền chi ra để duy trì hoạt động tối thiểu trong vòng 6 - 12 tháng tới, giúp DN cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu, duy trì người lao động, sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc. Tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội dành cho người lao động, cắt giảm mạnh các quy trình, thủ tục hành chính và các điều kiện bất hợp lý, đẩy mạnh thực hiện trực tuyến để việc tiếp cận chính sách thuận lợi hơn.

Trong gói hỗ trợ lần 2, Chính phủ cần xây dựng các chính sách hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho DN. Cơ chế thực thi chính sách phải nhanh, minh bạch và thuận tiện, chú trọng cung cấp dạng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời áp dụng chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương “tạo thuận lợi” của Chính phủ để gia tăng hiệu quả chính sách.

Song song với chống dịch, chống suy thoái kinh tế, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, tập trung trước hết vào xây dựng hạ tầng kết nối, hạ tầng số, cũng như rà soát, triển khai các chương trình, biện pháp quyết liệt để thu hút hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ DN trong nước tận dụng tốt hơn các cơ hội từ dòng vốn này.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, kết quả giải ngân quá thấp của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chủ yếu do điều kiện chứng minh quá ngặt nghèo, phải qua nhiều “cửa”. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần thiết lập một đầu mối duy nhất, một người chịu trách nhiệm thì mới có thể giải ngân nhanh và kịp thời.

Chuyên đề