Bên cạnh đó, Quy hoạch còn nhằm đưa ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực; xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Tại Hội thảo, nhà thầu tư vấn lập quy hoạch là Liên danh Viện Năng lượng Việt Nam - Viện Dầu khí Việt Nam báo cáo các nội dung đã thực hiện trong 5 chương đầu của Dự thảo Quy hoạch. Nội dung trọng tâm của các chương này là hiện trạng cung cầu năng lượng, tình hình thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng, các khó khăn, tồn tại và các bài học kinh nghiệm trong giai đoạn trước.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được những mục tiêu đề ra. Ngành năng lượng đã tích cực thực hiện chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường, hình thành được thị trường cạnh tranh ở một số khu vực trong thị trường điện, thị trường than, thị trường khí đốt. Qua đó, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó có sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, phát triển đồng bộ hạ tầng năng lượng, thúc đẩy hoạt động của các thị trường năng lượng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư vào phát triển năng lượng, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thiết bị năng lượng…