Ảnh Internet |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Đà Nẵng có một vị trí hết sức quan trọng, là trung tâm của miền Trung. Hiện nay, trong định hướng quy hoạch quốc gia, Đà Nẵng được xác định là một trung tâm của cực tăng trưởng vùng động lực miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi). Đây là vai trò, sứ mệnh mới của Đà Nẵng trong thời gian đến.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã có những bước phát triển rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân cao; diện mạo của Thành phố thay đổi rất nhanh; cơ cấu và quy mô kinh tế đạt được những kết quả rất tốt.
Tuy nhiên, gần đây, Đà Nẵng đã có bước chững lại. Do đó, vấn đề đặt ra đối với Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kế thừa những kết quả đạt được và đặt ra những vấn đề mới của Đà Nẵng.
Báo cáo nội dung Quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.
Về quy hoạch, thành phố Đà Nẵng đã đặt ra quan điểm tập trung phát triển theo 3 trụ cột, trong đó đã nghiên cứu tích hợp đồng bộ yếu tố văn hóa vào phát triển du lịch trở thành một trụ cột quan trọng của Thành phố. Đó là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt.
Một trụ cột quan trọng định hình sự phát triển của thành phố Đà Nẵng là kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Trụ cột thứ ba là trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Báo cáo Quy hoạch cũng xác định trong thời kỳ tới, thành phố Đà Nẵng sẽ có 6 nhóm ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo các không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và các thành phố trong khu vực và quốc tế.
Theo đó, đối với ngành du lịch, định hướng ưu tiên hình thành các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn chất lượng cao ở tất cả các loại hình, nhất là các dòng sản phẩm, dịch vụ cao cấp và siêu sang gắn với các khu vực trọng điểm như: Quần thể du lịch Bà Nà - Suối Mơ; Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế; Khu phức hợp đô thị và du lịch Làng Vân; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng dọc chân bán đảo Sơn Trà.
Đối với ngành thương mại, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của khu vực và cả nước với hai điểm nhấn quan trọng là khu logistics, dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối, Chợ đầu mối Hòa Phước và Tổ hợp Thể thao, giải trí, thương mại Hòa Xuân.
Bên cạnh đó, các dịch vụ thương mại cao cấp liên quan đến các bến du thuyền và khu phi thuế quan tiêu chuẩn quốc tế cũng là những định hướng quan trọng về thương mại được quy hoạch trong thời kỳ tới của Đà Nẵng.
Đối với ngành logistics, Quy hoạch đặt ra mục tiêu và xây dựng định hướng để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế, trọng tâm là việc đưa vào hoạt động của cảng Liên Chiểu và nâng cấp, mở rộng, phát huy tối ưu vị trí, vai trò của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Theo đó, trên địa bàn Thành phố dự kiến sẽ hình thành 7 trung tâm logistics tập trung, trong đó có 1 trung tâm logistics cấp vùng và các trung tâm logistics phụ trợ để đáp ứng mục tiêu quy hoạch.
Xác định yếu tố đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch của thành phố, Đà Nẵng cũng bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hình thành khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ; khuyến khích hình thành các không gian làm việc chung, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Trên cơ sở định hướng, tổ chức không gian phát triển của các ngành nêu trên, Quy hoạch Thành phố cũng đã khoanh định 7 khu vực trọng điểm phát triển kinh tế: Khu vực trung tâm thành phố; Khu trung tâm công nghiệp công nghệ cao gắn với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghệ thông tin tập trung; Khu vực trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics gắn với cảng Liên Chiểu, ga đường sắt và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Khu trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng ven biển; Khu vực trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu ở phía Đông Nam Thành phố, trọng tâm là Khu đô thị Đại học Đà Nẵng; Khu vực trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phía Tây Nam huyện Hòa Vang; các cực du lịch sinh thái núi gắn với các không gian, sản phẩm du lịch cao cấp của Thành phố.
Các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế được kết nối thông qua hai tuyến vành đai và 5 hành lang kinh tế trên cơ sở thế mạnh, định hướng phát triển của từng khu vực trong Thành phố cũng như thế mạnh của Thành phố trong vùng động lực duyên hải Trung bộ, miền Trung - Tây Nguyên.