Trong tháng 2/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản |
Nhu cầu Tết đẩy CPI tháng 2 tăng
Theo số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2018 tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 1,24% so với tháng 12/2017. CPI bình quân 2 tháng tăng 2,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2/2018 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 1,32% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Về các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 2/2018, theo Bộ KH&ĐT, Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay muộn hơn năm trước, rơi vào thời điểm giữa tháng 2/2018 nên nhu cầu mua sắm hàng Tết của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và kéo dài đến 30 Tết tức ngày 15/2/2018. Giá các mặt hàng lương thực tăng 1,44% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, bên cạnh đó các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines. Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ Tết tăng cao; giá xăng dầu mặc dù được điều chỉnh giảm vào ngày 21/2/2018 nhưng do còn ảnh hưởng của các đợt tăng giá ngày 4/1/2018 và ngày 19/1/2018 nên bình quân tháng 2/2018 giá xăng dầu tăng 1,15% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,05%.
Giá một số mặt hàng tiêu dùng như đồ uống, thuốc lá; giá điện sinh hoạt; giá dịch vụ giao thông công cộng; giá nhóm du lịch trọn gói cũng tăng so với tháng trước do nhu cầu Tết Nguyên đán cao hơn.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, cũng có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 2/2018 như giá gas giảm, giá rau tươi giảm;…
Bộ KH&ĐT nhận định, trong tháng 2/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ ở mức 1,32% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Nhiều áp lực lên lạm phát
Theo ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT, kinh tế 2 tháng nhìn chung tiếp tục diễn biến tích cực. Trung tâm đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2018 có thể trên 6,7%. Lưu ý lớn nhất là lạm phát tháng 2 có tăng cao hơn và lạm phát cũng là thách thức chính của cả năm 2018.
Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế Công ty CP Chứng khoán MB, phân tích, CPI tháng 2 tiếp tục tăng cao hơn là dấu hiệu cần lưu ý. Năm 2017 có nhiều yếu tố thuận lợi để kìm giữ lạm phát ở mức thấp như giá dầu thế giới chạm đáy, giá lương thực thực phẩm trong nước giảm do giá thịt heo giảm mạnh, tỷ giá ổn định,… Năm 2018, những yếu tố thuận lợi này có thể không còn, giá dầu thế giới và giá lương thực thực phẩm trong nước đều đã tăng cao hơn trong tháng 2/2018. Tỷ giá cũng đang có xu hướng tăng. Vì thế, để đạt được mục tiêu lạm phát năm 2018 tăng 4%, trong khi với nhiều yếu tố thuận lợi mà lạm phát năm 2017 đã tăng 3,53%, sẽ là một thách thức không nhỏ với Chính phủ. Tuy nhiên, ông Hoàng Công Tuấn khá kỳ vọng vào sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện ngay trong cuộc họp Chính phủ tháng 1, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý về mức tăng cao của CPI và đưa ra giải pháp điều hành để đảm bảo CPI cả năm tăng dưới 4%. Ông Tuấn tin rằng, ngay trong cuộc họp Chính phủ tháng 2 này Chính phủ sẽ tiếp tục có giải pháp cho vấn đề này.
Còn theo ông Đặng Đức Anh, dù có nhiều áp lực lên lạm phát nhưng Chính phủ đã có những chính sách điều hành thận trọng, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ ổn định và có nhiều dư địa điều hành. Vì thế, mục tiêu lạm phát năm 2018 tuy nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có thể đảm bảo được.
Trước đó, khi số liệu CPI tháng 1/2018 được công bố với mức tăng khá cao, ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhận định, thành phần xu thế của lạm phát có chiều hướng tiếp tục tăng, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ.