Doanh nghiệp tìm cách lách luật
Theo kết quả khảo sát của Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, hơn 50% doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị xây dựng các bước trên Dự thảo Báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS).
Ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc KPMG lưu ý, chuyển giá là vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng cơ sở hướng dẫn chống chuyển giá về thuế. Bởi lẽ, đây bản chất là một vấn đề thuế, và với đặc thù là số tiền thuế lớn và tính chất phức tạp liên quan đến hai hoặc nhiều nước có thể dẫn đến đánh thuế trùng, nên luôn là một trong những vấn đề thuế quan trọng nhất không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với các công ty đa quốc gia.
Về cơ bản, theo ông Dương, là cần giải quyết bài toán phân chia mức lợi nhuận hợp lý để đánh thuế. Vấn đề dữ liệu so sánh luôn gây tranh chấp phổ biến, song không ở mức phức tạp như ở Việt Nam. Trên thực tế, giá chuyển nhượng được nhìn nhận và mô tả như một công cụ mà các công ty đa quốc gia sử dụng trong kế hoạch thuế để tận dụng sự khác biệt trong hệ thống thuế, thu hút sự quan tâm và mức độ kiểm tra sát sao hơn.
Theo số liệu hồi năm ngoái, qua kiểm tra 420 DN có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 4.895,16 tỷ đồng; giảm lỗ 3.104,11 tỷ đồng; giảm khấu trừ 206,81 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 801,7 tỷ đồng. Riêng nửa đầu năm 2016, ngành thuế đã thanh, kiểm tra 85 DN phát sinh giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 1.735,59 tỷ đồng.
PGS. TS Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính thuộc Bộ Tài chính nhận định, hành vi chuyển giá gần đây đã diễn ra phức tạp, xuất hiện trong nhiều loại hình DN có quan hệ liên kết kinh tế với nhiều hình thức khác nhau, tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Chính sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, sự lỏng lẻo trong kiểm soát đã tạo “lỗ hổng” cho DN tìm cách lách luật, thực hiện các hành vi gian lận trong kê khai thuế, hải quan. Thủ đoạn này không chỉ có các DN, các tập đoàn đa quốc gia, mà ngày nay cả các DN trong nước cũng có biểu hiện của hành vi gian lận “chuyển giá nội địa”.
Nhiều thách thức từ thương mại điện tử
Về hoạt động chuyển giá trong thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hánh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế, cho rằng, đang đặt ra những thách thức rất lớn với công tác quản lý thuế. Bởi lẽ, hoạt động này đang phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều DN, nhiều loại hình TMĐT xuất hiện, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành thói quen của người dân. Thực tế, một số DN Việt Nam từng được World Startup Report định giá và xếp hạng với giá trị hàng trăm triệu USD, thậm chí đến cả tỷ USD. Một số DN Việt có doanh thu lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và thực hiện xuất khẩu sản phẩm qua TMĐT ra nước ngoài.
Thách thức ở đây, theo bà Hánh, là cán bộ quản lý thuế chưa có nhiều kiến thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều đáng nói, nhiều sản phẩm số hóa trên TMĐT rất khó xác định giá trị thực và giá bán hoặc nhiều sản phẩm là các tài sản vô hình. Trong khi đó, hoạt động TMĐT có nhiều khác biệt xa so với giao dịch thương mại truyền thống như không có kho chứa hàng, không cần dự trữ nhiều hàng hóa…
Chưa kể, thách thức lớn trong quản lý thuế đối với TMĐT hiện nay còn ở vấn đề giao dịch mang tính nặc danh, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi, giấu tên và khó xác định giá trị và giá bán, khó tìm kiếm giao dịch tương đồng về sản phẩm và điều kiện giao dịch. Ngoài ra, TMĐT cũng đặt ra thách thức trong việc xác định bản chất giao dịch và giá trị, giá bán sản phẩm vô hình. Hơn nữa, nó còn thách thức trong việc tìm kiếm các giao dịch độc lập hoặc các bên độc lập để so sánh trong quá trình xác định giá tính thuế.