Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, song điểm mạnh nhất của Hapro là danh mục bất động sản tại những vị trí đắc địa. |
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa công bố những thông tin chi tiết liên quan đến việc thực hiện cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Theo phương án được phê duyệt, Công ty Motor N.A Việt Nam (Vinamco) đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội - đại diện chủ sở hữu của Hapro, lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của tổng công ty. Theo đó Vinamco đã được phê duyệt tham gia mua 65% cổ phần Hapro với mức giá tối thiểu không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của phiên IPO, dự kiến tổ chức ngày 30/3. Căn cứ theo mức giá khởi điểm của phiên đấu giá, số tiền thấp nhất mà Vinamco bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro vào khoảng 1.830 tỷ đồng.
Không phải cái tên quá xa lạ, Vinamco là công ty thành viên thuộc Tập đoàn BRG, tập đoàn đầu tư đa ngành sở hữu nhiều công ty con trong 4 mảng hoạt động chính là BRG Golf, BRG Khách sạn - Dịch vụ nghỉ dưỡng, BRG Homes và BRG Thương mại - dịch vụ. Tập đoàn này do bà Nguyễn Thị Nga giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nga cũng được biết đến với một số vị trí khác như Chủ tịch của Seabank và Intimex Việt Nam.
Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Hapro sẽ đạt 2.200 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần của tổng công ty sau cổ phần hóa. Hapro dự kiến sẽ bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 0,49% vốn điều lệ; gần 76 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ và 143 triệu cổ phần sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 65% vốn.
Là tổng công ty đầu tiên của Thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa, Hapro được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu và phát triển hạ tầng thương mại.
Công ty có 10 công ty con, 20 công ty thành viên liên kết và đầu tư góp vốn tại 11 công ty khác. Không ít thương hiệu lớn của Hà Nội như Kem Thủy Tạ, Gốm Chu Đậu hay Vang Thăng Long đều là công ty con - công ty liên kết của Hapro.
Tuy là doanh nghiệp lâu năm, song hoạt động kinh doanh của tổng công ty này phản ánh rõ đặc thù của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu với mức biên lợi nhuận khá khiêm tốn. Trong những năm gần đây doanh thu của Hapro thường duy trì ở mức 3.000 - 3.400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận hiếm năm nào vượt quá 40 tỷ đồng.
Theo đại diện tổng công ty, bản chất hoạt động dưới vai trò trung gian phân phối, xuất khẩu hàng hóa nên biên lợi nhuận gộp với từng mảng hoạt động của công ty thường khá thấp, dẫn đến đặc điểm doanh thu cao, song lợi nhuận hàng năm chỉ ở mức vài chục tỷ đồng.
Dù lợi nhuận không thực sự nổi bật, Hapro còn được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư danh mục đất đai lớn, vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
Theo ban công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa tổng công ty quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa, cơ sở đất giao cho Công ty mẹ Hapro tiếp tục quản lý sử dụng là 114 địa điểm, gồm 96 địa điểm tại Hà Nội và 18 địa điểm tại các tỉnh, thành phố khác.
Một số dự án lớn tại các vị trí "đất vàng" như dự án trung tâm thương mại, văn phòng số 5 Lê Duẩn; khu đất 38+40 Lê Thái Tổ, Hà Nội với diện tích 572 m2 đang chờ quyết định nhận chuyển nhượng của Thành phố; khu đất 362 Phố Huế với diện tích 618 m2 hay tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng với diện tích đất hơn 2.900 m2 tại số 11B Cát Linh.
Các địa điểm còn lại, phần lớn có quy mô dưới 100m2, chủ yếu là hệ thống của HaproMart - HaproFood, cửa hàng chuyên doanh thời trang, chuyên doanh hàng lưu niệm và Dịch vụ ăn uống.