Tạo điều kiện thuận lợi nhất để đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (gọi tắt là E-HSDT) do Cục Quản lý đấu thầu (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại TP.HCM đã thu hút sự tham gia của đông đảo bên mời thầu, nhà thầu cũng như cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại các tỉnh, thành phía Nam.
Các gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 3 thường có từ 17 - 18 nhà thầu tham dự/gói thầu. Ảnh: Tường Lâm
Các gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 3 thường có từ 17 - 18 nhà thầu tham dự/gói thầu. Ảnh: Tường Lâm

Công cụ phòng chống tham nhũng

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2018, thông qua các kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, TP. Cần Thơ có số gói thầu được tổ chức lựa chọn qua mạng nhiều hơn rất nhiều so với các năm qua. “Đó là sự chuyển biến lớn. Chúng tôi rất mừng vì các bên mời thầu cũng như nhà thầu đã có sự nhập cuộc nhanh chóng với đấu thầu qua mạng. So với đấu thầu truyền thống, đấu thầu qua mạng thể hiện rõ được những tiện ích cho bên mời thầu và nhà thầu, đặc biệt là khâu phát hành hồ sơ mời thầu. Với vị trí trung tâm, Cần Thơ mong muốn trở thành địa phương tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về đấu thầu qua mạng”, bà Thúy bày tỏ.

Đại diện Công ty TNHH MTV Xây dựng Nguyễn Phi Dũng (tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, là một nhà tư vấn lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu trên địa bàn Tỉnh, Công ty rất tin tưởng vào hiệu quả và lợi ích mà đấu thầu qua mạng đem lại. “Chúng tôi trực tiếp lựa chọn nhà thầu những gói thầu qua mạng và nhận thấy thực sự hiệu quả, có nhiều lợi ích cho cả bên mời thầu lẫn nhà thầu. Đặc biệt, đấu thầu qua mạng giúp hạn chế tối đa các hành vi tiêu cực trong đấu thầu”, bà Phạm Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Nguyễn Phi Dũng đánh giá.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Thị Thúy Hằng khẳng định, đấu thầu qua mạng đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu chống tham nhũng trong đấu thầu. Việt Nam đang tăng cường đấu thầu qua mạng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà tài trợ.

Theo đánh giá của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, từ đầu năm đến hết tháng 7/2018 đã ghi nhận những con số tăng trưởng trên nhiều mặt của đấu thầu qua mạng so với các năm trước. Cụ thể, số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu điện tử đạt 2,67 nhà thầu/gói thầu. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi của cả năm 2017 (chỉ đạt 9.000 tỷ đồng). Tỷ lệ tiết kiệm của đấu thầu qua mạng đạt 9%, cao hơn so với đấu thầu trực tiếp (đạt 7%). Thời gian lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu qua mạng là từ 26 - 28 ngày. Trong khi đó, thời gian lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu trực tiếp trung bình là 32 ngày. Nhiều gói thầu có giá trị lớn hàng trăm tỷ đồng đã áp dụng lựa chọn qua mạng. 

Quyết tâm mạnh mẽ

Tại khu vực phía Nam, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 3 (CN EVNGENCO 3) được đánh giá là đơn vị có số lượng nhà thầu tham gia các gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng rất cao, thường dao động từ 17 - 18 nhà thầu/gói thầu. Đại diện Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện - đơn vị trực thuộc CN EVNGENCO 3 chia sẻ, chính từ sự tích cực tham gia mời thầu qua mạng của đơn vị mà các nhà thầu dễ dàng tiếp cận thông tin nên tham gia đông đảo, tạo ra sự cạnh tranh rất rộng rãi. “Sự lan tỏa của đấu thầu qua mạng đối với các nhà thầu là rất lớn. Quan trọng là bên mời thầu quyết tâm để áp dụng đấu thầu qua mạng như thế nào”, đại diện Công ty chia sẻ.

Đại diện Sở KH&ĐT Đồng Nai cho biết, địa phương này nghiêm túc trong việc yêu cầu các bên mời thầu đảm bảo 30% số lượng gói thầu tiến hành lựa chọn nhà thầu qua mạng nên thời gian qua tỷ lệ gói thầu đấu thầu qua mạng có tăng.

Khu vực phía Nam cũng ghi nhận là nơi có đông đảo nhà thầu đi đầu trong việc tham gia đấu thầu qua mạng như Công ty TNHH Thương mại Sản xuất dây và cáp điện Đại Long, Công ty CP Địa ốc Cáp điện Thịnh Phát, Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn, Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân… Tại Hội thảo, các nhà thầu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng như giúp xây dựng Dự thảo Thông tư nêu trên.

Đối với một số địa phương đang có tỷ lệ gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng thấp như An Giang, Sóc Trăng và kể cả TP.HCM, các Sở KH&ĐT đều khẳng định, vì lợi ích của đấu thầu qua mạng nên trong thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND cấp  tỉnh ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Đặc biệt, nhiều địa phương đồng thuận với biện pháp bắt buộc các chủ đầu tư/bên mời thầu phải thực hiện đấu thầu qua mạng các gói thầu trong hạn mức, nếu không sẽ “bêu tên” các đơn vị chây ì với đấu thầu qua mạng, đề xuất biện pháp xử lý với người có thẩm quyền.

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, mọi ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo ghi nhận để xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư và nhà thầu dự thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư