Tạo cầu nối hoàn thiện hệ sinh thái đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Sáng nay, 8/8/2018, Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 (Vietnam E-Government Procurement Forum 2018) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Hà Nội. 
Tổng giá trị những gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử trong 6 tháng đầu năm 2018 là 18.000 tỷ đồng, cao gấp đôi cả năm 2017. Ảnh: Lê Tiên
Tổng giá trị những gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử trong 6 tháng đầu năm 2018 là 18.000 tỷ đồng, cao gấp đôi cả năm 2017. Ảnh: Lê Tiên

Trước thềm khai mạc Diễn đàn, trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, nhấn mạnh: “Diễn đàn là cầu nối để hoàn thiện hệ sinh thái đấu thầu qua mạng”.

Có thể nói đây là lần đầu tiên một diễn đàn quy tụ đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý, chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu quan tâm đến lĩnh vực đấu thầu qua mạng ở Việt Nam được tổ chức. Ông có thể cho biết mục tiêu của Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 là gì?

Đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước từ ngày 01/01/2016 theo lộ trình đã được quy định tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/7/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025 và Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC. Sau hơn 2 năm triển khai chính thức, đấu thầu qua mạng đã thu hút hơn một trăm nghìn đơn vị bên mời thầu, nhà thầu tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và mở ra cơ hội kinh doanh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 hướng đến 03 mục đích:

Thứ nhất, Diễn đàn hướng đến việc nâng cao hiểu biết về Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS) và phổ cập lợi ích ứng dụng đấu thầu qua mạng, cũng như những cam kết và tầm nhìn của Chính phủ đối với hoạt động này.

Thứ hai, Diễn đàn là cơ hội để nhìn lại sự phát triển của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng như tình hình triển khai đấu thầu qua mạng theo lộ trình của Chính phủ quy định tính đến giữa năm 2018. Tại Diễn đàn, các bên liên quan sẽ tham gia thảo luận, đề xuất ý tưởng hoàn thiện chính sách quản lý, công nghệ, hoạt động của VNEPS với mục tiêu phổ biến hình thức này trong các hoạt động mua sắm công trên cả nước.

Thứ ba, Diễn đàn là kênh thông tin quan trọng để Chính phủ lấy ý kiến xây dựng hệ sinh thái áp dụng đấu thầu qua mạng, hướng tới hoàn thành mục tiêu đấu thầu qua mạng vào năm 2025 đi cùng với một hệ sinh thái bền vững bao gồm các thành phần: Chính sách - Pháp luật, Công nghệ và Truyền thông.

Tạo cầu nối hoàn thiện hệ sinh thái đấu thầu qua mạng ảnh 1
Ông Phạm Thy Hùng
Diễn đàn sẽ đem lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp quan tâm đến đấu thầu qua mạng?

Diễn đàn sẽ kịp thời giúp các doanh nghiệp cập nhật, nâng cao hiểu biết về hiện trạng khung pháp lý và chức năng phần mềm Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng, từ đó đưa ra giải pháp để hoàn thiện Hệ thống.

Tham gia Diễn đàn, các doanh nghiệp có thể kết nối với các doanh nghiệp khác cũng như với các nhà đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường mua sắm chính phủ. 

Ngoài các chủ điểm nêu trên, Diễn đàn còn có các phần hỏi đáp để đông đảo nhà thầu, chủ đầu tư và các bên liên quan đề xuất ý kiến, trao đổi về các nội dung liên quan đến hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và việc triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng. Ông kỳ vọng Diễn đàn sẽ đem lại các thông tin hữu ích gì cho việc thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng ở nước ta?

Thông qua việc tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng ở Việt Nam từ cả phía bên mời thầu và doanh nghiệp tại Diễn đàn, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia sẽ có các thông tin phản hồi để từ đó hoàn thiện chức năng của Hệ thống.

Chúng tôi cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp để làm cơ sở đề xuất quy định lộ trình cho giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là việc đưa ra các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng viện cớ trì hoãn áp dụng đấu thầu qua mạng, đồng thời, đề xuất cơ chế khích lệ các đơn vị, địa phương thực hiện tốt đấu thầu qua mạng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trung bình số nhà thầu tham dự thầu trên một gói thầu thực hiện đấu thầu điện tử trong thời gian qua còn thấp. Không ít gói thầu chỉ có 1-2 nhà thầu tham dự. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được thêm các ý kiến phản ánh, đóng góp, khuyến nghị, giải pháp để gia tăng số lượng nhà thầu tham dự thầu trong các gói thầu điện tử thời gian tới. 

Ông đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng nhu cầu tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện nay? Hệ thống hạ tầng mạng sẽ được cải thiện như thế nào để đáp ứng nhu cầu thực hiện/tham gia đấu thầu điện tử ngày càng cao của các bên mời thầu/nhà thầu trong thời gian tới?

Tính đến tháng 7/2018, số lượng bên mời thầu đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là 24.025, số lượng nhà thầu đăng ký là 72.843. Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, số gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống là 8.700 gói, nhiều hơn cả năm 2017 (8.200 gói). Tổng giá trị gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử trong 6 tháng đầu năm 2018 là 18.000 tỷ đồng, cao gấp đôi cả năm 2017 (9.000 tỷ đồng). Những con số đó nói lên những nỗ lực của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia trong việc đảm bảo vận hành Hệ thống một cách thông suốt và liên tục.

Cục Quản lý đấu thầu cũng đang xây dựng Hệ thống tổng thể dự kiến sau 1,5 năm sẽ thay thế hệ thống hiện tại. Chúng tôi kì vọng hệ thống mới này sẽ thân thiện hơn với người sử dụng do không hạn chế trình duyệt, có thể sử dụng trên điện thoại. Cùng với việc hoàn thiện hệ sinh thái áp dụng cho đấu thầu qua mạng, hệ thống này sẽ liên kết với các hệ thống khác của chính phủ điện tử, ví dụ như: ngân hàng, cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước…

Ngoài ra, Cục Quản lý đấu thầu dự kiến sẽ tiếp tục nâng cấp Hệ thống, tăng dung lượng file hồ sơ dự thầu có thể lên đến 300 MB trong thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư