Tạo áp lực cải cách, loại bỏ độc quyền trong nền kinh tế

(BĐT) - Dự thảo Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ gần đây đã nhấn mạnh yêu cầu giảm thiểu sự tham gia của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại độc quyền nhà nước (ĐQNN), bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. 
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt. Ảnh: Nhã Chi
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt. Ảnh: Nhã Chi

Yêu cầu này nhằm tạo thêm áp lực thúc đẩy cải cách nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Độc quyền còn lớn trong một số lĩnh vực then chốt

Báo cáo nghiên cứu cải cách ĐQNN trong ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện đã chỉ ra bất cập liên quan đến ĐQNN trong một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như viễn thông, đường sắt, điện, hàng không.

Theo TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế thuộc CIEM, trước đây, ĐQNN trong hầu hết các ngành công nghiệp mạng lưới. Đến nay, khi thực hiện các chính sách mở cửa, đổi mới kinh tế thì số ngành, lĩnh vực ĐQNN giảm nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục cải cách và hội nhập, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhìn về ĐQNN trong lĩnh vực đường sắt, nghiên cứu của CIEM chỉ ra, Tổng công ty Đường sắt vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt. “Do không có cạnh tranh nên ngành này thiếu hẳn động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm”, bà Luyến nhấn mạnh..

Chỉ rõ hạn chế ĐQNN của ngành điện, Dự thảo Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia cũng nêu ra hàng loạt thông tin đáng lưu ý. Tuy không nằm trong danh mục lĩnh vực ĐQNN, nhưng bán lẻ điện hiện vẫn là hoạt động độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Lộ trình phát triển thị trường phân phối điện cạnh tranh đã được xây dựng, nhưng vẫn chưa có các điều kiện để hình thành thị trường. Đến nay, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) phân phối điện, chưa tách khâu truyền tải điện (độc quyền tự nhiên) ra khỏi các công ty phân phối điện trong khuôn khổ EVN. Quan trọng hơn, Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam vẫn chưa đề cập đến việc cho phép DN tư nhân tham gia thị trường phân phối điện, và người tiêu dùng, dù lớn hay nhỏ, chỉ có thể lựa chọn một DN nhà nước (DNNN) để mua điện... 

Yêu cầu loại bỏ độc quyền

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, trọng tâm chính của chính sách cạnh tranh quốc gia là góp phần loại bỏ các ưu đãi, đặc quyền của Nhà nước riêng có đối với các DNNN, DN có vốn nhà nước và các tổ chức tương tự khác của Nhà nước. Đồng thời, chính sách này buộc các tổ chức nói trên phải “trung tính” trong cạnh tranh thị trường, nghĩa là phải hoạt động và được đánh giá hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, việc xác định đúng vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường nhằm giảm thiểu sự tham gia của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại ĐQNN, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân là một yêu cầu rất quan trọng hiện nay.

Với yêu cầu đặt ra, Nhóm nghiên cứu của CIEM kiến nghị, cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, Việt Nam cần áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ để tiếp tục cải cách, xác định khâu cần duy trì sở hữu nhà nước, có cách quản lý, giám sát, tránh chuyển từ ĐQNN thành độc quyền DN.

Ông Cung nhấn mạnh, DNNN là một tác nhân hay chủ thể thị trường, là tổ chức kinh doanh đều phải được đối xử bình đẳng như các chủ thể khác của thị trường. Không coi và không sử dụng DNNN làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, làm lực lượng vật chất để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, là công cụ thực hiện một số mục tiêu xã hội của Nhà nước. Thực hiện cơ cấu lại các ngành, thị trường có độc quyền tự nhiên hoặc ĐQNN, đặc biệt là các ngành hạ tầng, mạng lưới theo hướng tách các khâu có tính độc quyền tự nhiên ra khỏi các khâu khác có tính cạnh tranh trong một chủ thể cạnh tranh để có cơ chế quản lý riêng.

Cụ thể, CIEM kiến nghị, đối với ngành điện, cần tiếp tục cải cách theo đúng lộ trình, bảo đảm thị trường điện cạnh tranh theo đúng nghĩa, bảo đảm sự độc lập giữa các khâu sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện, tự do thỏa thuận giá cả. Đối với ngành đường sắt, cần tiếp tục tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt theo hướng cạnh tranh hơn. Đối với ngành viễn thông, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành, thực hiện quyết liệt việc cổ phần hóa các DNNN...

Chuyên đề