Hai nữ công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC. |
Kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 6,9% trong năm 2017, vượt xa mục tiêu tăng 6,5% mà Bắc Kinh đề ra, đồng thời cao hơn dự báo của giới phân tích.
Theo hãng tin CNBC, trái với những lo ngại hồi đầu năm về những rủi ro tài chính trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh cải tổ nền kinh tế, Trung Quốc đã có một năm phục hồi ngoạn mục. Sự phục hồi tăng trưởng này thể hiện rõ qua mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,9% mà Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố chiều ngày 18/1.
"Đúng là một bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc - bộ phận nền kinh tế cũ với các ngành công nghiệp nặng - đang có sự giảm tốc một cách có chủ đích. Nhưng bộ phận kinh tế mới với các ngành công nghệ cao và dịch vụ đang cho thấy sức mạnh, thể hiện qua các số liệu thống kê này", ông Duncan Wrigley, chiến lược gia trưởng thuộc công ty Everbright Sun Hung Kai, phát biểu.
So với năm 2016, kinh tế Trung Quốc đã có sự khởi sắc mạnh mẽ. Năm 2016, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 6,7%, mức tăng chậm nhất trong 26 năm. Với quan điểm thận trọng, giới phân tích đã cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng 6,8% trong năm 2017.
Quý 4/2017, GDP Trung Quốc tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức dự báo tăng 6,7%.
Kinh tế toàn cầu tăng tốc được xem là động lực chính cho sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, thông qua thúc đẩy nhu cầu gia tăng của các thị trường nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của nước này.
Các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng chậm lại trong năm nay, với mức tăng có thể chỉ đạt 6,5%.
Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn "đảo lộn mang tính sáng tạo", khi các ngành mới như thương mại điện tử và dịch vụ tài chính cùng tồn tại bên cạnh những ngành kinh tế cũ vẫn giữ vai trò thống trị nền kinh tế - theo chuyên gia kinh tế Chi Lo thuộc BNP Paribas Investment.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia cho rằng nền kinh tế cũ của Trung Quốc vẫn sẽ chiếm ưu thế so với kinh tế mới, nên "khi hòa trộn tác động của hai bên, toàn bộ nền kinh tế vẫn vấp phải rào cản tăng trưởng". "Sức mạnh sáng tạo chưa đủ mạnh để vượt qua sức mạnh của nền kinh tế cũ, nhưng sự dịch chuyển là có lợi cho cơ cấu", ông Lo nói.
Hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng Trung Quốc vẫn sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6,5% trong năm nay, không thay đổi so với năm ngoái
Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để giải quyết "núi nợ" khổng lồ nhằm duy trì ổn định kinh tế, tránh nguy cơ xảy ra những xáo trộn lớn khi nền kinh tế giảm tốc mạnh.
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu Oxford Economics, nhu cầu mạnh của thị trường nước ngoài và tiêu dùng trong nước ở mức cao sẽ là những nhân tố hỗ trợ kinh tế Trung Quốc trong năm 2018.
Các chuyên gia của Oxford nhận định Chính phủ Trung Quốc đang có những động thái nhằm hạn chế đầu tư trong nền kinh tế, thông qua thắt chặt chính sách tiền tệ, và có các biện pháp giảm rủi ro tài chính.
Oxford cũng nói rằng những rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 bao gồm nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ thương mại từ Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách thu hẹp thâm hụt thương mại Mỹ-Trung.