Tăng trưởng GDP cuối năm 2023: Kỳ vọng sức bật từ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bức tranh kinh doanh chưa chuyển hẳn sang gam màu sáng, nhưng tín hiệu tích cực xuất hiện khi nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Vietcombank, FPT, Gemadept, PVDrilling… ghi nhận lợi nhuận quý II/2023 tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm. Ảnh: Lê Tiên
Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm. Ảnh: Lê Tiên

Niềm tin kinh doanh cùng nhu cầu từ thị trường trong nước và quốc tế phục hồi tạo nên kỳ vọng, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp trở lại đường đua tăng trưởng. Một số tổ chức mới đây đã điều chỉnh dự báo GDP Việt Nam cuối năm 2023, với con số khả quan…

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Với ngành nghề kinh doanh cốt lõi là công nghệ, FPT ghi nhận 3.003 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng ghi nhận doanh thu ký mới của mảng dịch vụ công nghệ nước ngoài đạt 15.017 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trên 28% so với cùng kỳ, cho thấy tiềm năng tăng trưởng đang mở rộng. Vinamilk - doanh nghiệp đầu ngành tiêu dùng tại Việt Nam thì ghi nhận 15.200 tỷ đồng doanh thu và 2.220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2023, lần lượt tăng 1,6% và 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy mức tăng trưởng không lớn, nhưng Vinamilk đã dừng được chuỗi giảm lợi nhuận so với cùng kỳ 5 quý liên tục.

Hàng loạt doanh nghiệp khác như Vietcombank, BIDV, Gemadept, Kinh Bắc, Immexpharm, PVDrilling, Tổng công ty cổ phần kỹ thuật Dầu khí… đã công bố hoặc có ước tính kết quả lợi nhuận quý II/2023 với tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp đầu ngành cho thấy, nhiều thị trường đang “ấm” trở lại, bức tranh kinh doanh kỳ vọng sáng dần.

Trên bình diện vĩ mô, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo kinh tế châu Á và Thái Bình Dương với dự báo triển vọng tăng trưởng đạt 4,8% trong năm nay. Với Việt Nam, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ ở mức 5,8%, không đạt mục tiêu 6,5% như kế hoạch. Tuy nhiên, năm 2024, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,2%.

Nhóm nghiên cứu VNDIRECT dự báo, GDP tăng trưởng 7,1% trong nửa cuối năm, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5%. Các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế gồm: Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng; lãi suất cho vay thấp hơn giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; đơn hàng xuất khẩu nông sản và hàng hóa công nghiệp của Việt Nam có khả năng phục hồi đáng kể từ quý IV/2023.

Nợ công thấp, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh và lạm phát trong nước được kiểm soát là những yếu tố thuận lợi để triển khai các chính sách hỗ trợ tài khóa trong nửa cuối năm nay. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ tăng cường đầu tư để phối hợp với chính sách tài khóa của Chính phủ. Đơn cử, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có kế hoạch triển khai một số dự án, trong đó có dự án quy mô vừa như Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng và dự án quy mô lớn là Lô B - Ô Môn.

Xuất khẩu cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý IV/2023. Chu kỳ thay thế smartphone cũ bằng mẫu mới là 25,3 tháng có thể thúc đẩy xuất khẩu smartphone của Việt Nam kể từ quý IV/2023…

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, kết quả Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán sự ổn định hoặc cải thiện kinh tế tăng 2%; số lượng lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý III/2023 tăng 9% so với đánh giá của họ cho quý II/2023.

Theo kết quả điều tra mới đây, 72,6% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn và giữ ổn định. Ảnh: Hà Thanh

Theo kết quả điều tra mới đây, 72,6% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn và giữ ổn định. Ảnh: Hà Thanh

Khơi thông động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng phù hợp trong năm nay nhờ một số động lực chính.

Trước hết, đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Nhiều ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải tăng trưởng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng... Tiếp đó, hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ. Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định; nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao. Ngoài ra, chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.

Đáng chú ý, theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn, 38,3% giữ ổn định), 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng GDP các tháng cuối năm.

Cùng xem xét từ góc độ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, động lực lớn nhất và quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng GDP là từ sự phục hồi của các doanh nghiệp. Vì thế, cần khôi phục lại niềm tin của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn là doanh nghiệp trong nước.

Để làm được điều này, ông Việt ủng hộ việc khôi phục một nghị quyết riêng về cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với đó, cần đánh giá tổng thể nhu cầu và chính sách hỗ trợ theo từng lĩnh vực, ngành hàng, đối tượng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm, sản xuất xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, chuyển dịch kinh tế xanh, năng lượng tái tạo… để tính toán giải pháp mới, khơi thông động lực tăng trưởng.

Liên quan đến nỗ lực khơi thông động lực tăng trưởng, mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các giải pháp để đề xuất với Chính phủ, trong đó có việc tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để tăng trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyên đề