Tăng trợ lực cho DN từ cải cách thực chất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông, thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải cách điều kiện kinh doanh nói riêng chậm lại; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản điều kiện kinh doanh thậm chí còn nặng nề hơn. Tình trạng này cần sớm khắc phục, không để các kết quả cải cách bị xói mòn và làm suy giảm niềm tin của DN.
Bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy; điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vận tải… tạo thêm gánh nặng chi phí, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy; điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vận tải… tạo thêm gánh nặng chi phí, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Quyền tự do kinh doanh chưa thực sự được bảo đảm

Tại Hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển DN” ngày 6/7/2023, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (theo Danh mục của Luật Đầu tư) giảm, nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh và vô vàn thủ tục hành chính kèm theo. Quyền tự do kinh doanh của DN chưa thực sự được bảo đảm.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. “Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của DN”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, rào cản điều kiện kinh doanh đang rất phổ biến. Trong đó nổi bật là bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy; điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kinh doanh vận tải… tạo thêm gánh nặng chi phí, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của DN.

Kết quả rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được CIEM thực hiện cho thấy, một số ngành nghề không có trong Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn ban hành điều kiện kinh doanh như: điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (Nghị định số 52/2020/NĐ-CP).

Một số ngành nghề đã được bãi bỏ khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư nhưng nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành, ví dụ Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các cơ quan thực thi đang đòi hỏi nhiều thủ tục hành chính hơn so với quy định pháp luật hiện hành, khiến DN tăng chi phí tuân thủ và mất đi cơ hội kinh doanh. Đơn cử, đáng nhẽ việc thực hiện thủ tục để xuất khẩu chỉ mất vài ngày nhưng lại kéo dài đến cả tháng.

Vẫn theo ông Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều dự án lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản được phê duyệt đầu tư, đến nay chỉ điều chỉnh lại nội hàm rất nhỏ bên trong, không liên quan nội dung cần phải xin phép. Tuy nhiên, DN phải làm lại thủ tục hành chính từ đầu với dự án đầu tư. “Đây chính là triệu chứng “hành” DN”, đại diện VASEP phản ánh.

Theo đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), thực tế có tình trạng văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng, dẫn đến các thủ tục hành chính được phê duyệt phụ thuộc vào từng cán bộ phụ trách công việc. “Quy định không rõ ràng nên việc làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động thương mại điện tử của DN rất hay bị cán bộ thực thi yêu cầu bổ sung tài liệu. Có DN đã thu thập được tài liệu theo đúng yêu cầu nhưng tiến độ cấp phép lại không tiến triển, thậm chí không nhận được bất kỳ phản hồi cụ thể nào. Vì thế, DN không rõ hồ sơ của mình bị từ chối hay có vấn đề gì với thời gian kéo dài cả năm”, đại diện JCCI dẫn chứng.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn khi phải tuân thủ các quy định mới. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn khi phải tuân thủ các quy định mới. Ảnh: Lê Tiên

Không để xói mòn niềm tin của doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nếu không có những cải cách mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh, chúng ta sẽ làm trầm trọng thêm khó khăn của DN.

Bà Thảo đánh giá, có lẽ chưa có giai đoạn nào như những tháng đầu năm nay, số lượng DN thành lập mới thậm chí ít hơn số DN tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Đây không chỉ là xu hướng ngược so với các năm trước mà còn ngược với thế giới. “Cải cách môi trường kinh doanh không đủ mạnh, không đủ lớn, không đủ áp lực thì có lẽ chúng ta sẽ giảm bớt niềm tin của DN, làm tổn thương hơn khu vực DN”, bà Thảo cảnh báo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết riêng như trước đây (Nghị quyết 02) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, nêu rõ chỉ tiêu phấn đấu dựa vào chỉ tiêu của tổ chức quốc tế đánh giá. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất thành lập tổ công tác thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cùng các bộ ngành rà soát để triển khai thực hiện hiệu quả hơn.

Trên cơ sở đó, đại diện CIEM đề xuất cần thiết khôi phục chương trình cải cách môi trường kinh doanh để tăng trợ lực cho DN.

Tại Hội nghị, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc sửa đổi các quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh; giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của DN; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả cải cách.

Song để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đi vào thực chất, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả bộ, ngành và địa phương, đặc biệt cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành quy định pháp luật, trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, trong việc rà soát lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ KH&ĐT đang tiến hành tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành, nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh, trong đó có những rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Bộ sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, trong đó cải cách điều kiện kinh doanh đi vào thực chất.

Chuyên đề