Tăng tốc gỡ vướng phát triển điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi (ĐGNK) phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chưa có dự án ĐGNK nào ở nước ta được quyết định chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì khả năng đạt mục tiêu 2030 sẽ ngày càng thách thức
Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong việc đạt được mục tiêu 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Ảnh: Nguyễn Cường
Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong việc đạt được mục tiêu 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Ảnh: Nguyễn Cường

Khó khăn thực tế

Sau Orsted (Đan Mạch), mới đây, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) đã xác nhận hủy kế hoạch phát triển kinh doanh ĐGNK tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Một trong những lý do của quyết định này được người phát ngôn của Equinor cho biết là do ngành ĐGNK đang đối mặt với nhiều trở ngại trong thời gian gần đây và Equinor cần phải có kỷ luật trong cách tiếp cận của mình. Tuy nhiên, một số thông tin cho thấy, vì các rào cản về quy định trong phát triển dự án ĐGNK nên Equinor dự báo kịch bản tốt nhất Việt Nam chỉ có thể lắp đặt khoảng 1 GW công suất ĐGNK vào cuối thập kỷ này.

Đề cập nguyên nhân của tình trạng chậm triển khai dự án ĐGNK, Báo cáo về một số nhiệm vụ giải pháp đột phá, trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ ra một loạt khó khăn.

Trước hết là khó khăn trong điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển. Lý do là pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép, chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân sử dụng biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát tiềm năng phát triển ĐGNK. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (năng lượng gió trên biển) chưa xác định được có hay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài Nguyên môi trường biển và hải đảo.

Việc chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư cũng gặp khó, bởi Luật Đầu tư chưa có quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư trên biển như ĐGNK. Pháp luật hiện hành không thể hiện rõ dự án ĐGNK có được xác định là dự án có sử dụng đất hay không để có cơ sở áp dụng quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư và khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu (dự án đầu tư sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai)...

Trước đó, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, ĐGNK là lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Các bên liên quan đều chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai, thực hiện cả trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành.

Đẩy mạnh gỡ vướng

Trước thông tin một số nhà đầu tư lớn dừng kế hoạch đầu tư ĐGNK tại Việt Nam và áp lực thời gian để đạt mục tiêu 6.000 MW ĐGNK vào năm 2030, một nhà đầu tư thuộc Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh Bến Tre nhấn mạnh sự cần thiết phải gỡ bỏ các rào cản hiện nay để thúc đẩy phát triển ĐGNK. Theo đó, nếu Nhà nước có chính sách rõ ràng để tính được hiệu quả đầu tư thì có thể các nhà đầu tư sẽ quay lại. Mục tiêu đạt 6.000 MW vào năm 2030 dù khó nhưng vẫn có thể đạt được.

Theo góc nhìn từ nhà đầu tư, muốn đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển ĐGNK trình cấp thẩm quyền phê duyệt với việc giao một số nhà đầu tư là tập đoàn kinh tế nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) hoặc giao đơn vị quốc phòng phát triển dự án.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho rằng, việc sớm tháo gỡ các vướng mắc sẽ giúp triển khai các dự án ĐGNK được thuận lợi hơn, góp phần bảo đảm nguồn cung điện cho phát triển đất nước, đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ĐGNK.

“Tính đến nay, PTSC đã trúng thầu và thực hiện trên 10 dự án ĐGNK với tổng công suất các dự án khoảng 5,5 GW, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1,5 tỷ USD và góp phần giảm phát thải khoảng 6 triệu tấn CO2/năm. PTSC vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư các mắt xích còn thiếu như sản xuất cáp ngầm và tăng đầu tư cơ sở vật chất… để hoàn thiện chuỗi cung ứng ĐGNK”, ông Cường cho biết.

Trong diễn tiến chính sách, mới đây, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển ĐGNK, báo cáo Chính phủ trong tháng 9/2024.

Chuyên đề