Tăng sức hút của dự án nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát triển nhà ở xã hội là nhu cầu bức thiết, là chính sách được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vì thế, cần đa dạng các hình thức, phương thức, có cơ chế ưu đãi phù hợp để tăng hiệu quả thu hút đầu tư các nguồn lực xã hội cho phát triển loại dự án này.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, đầu tư nhà ở xã hội phải chịu thủ tục phức tạp, nhiêu khê hơn cả đầu tư dự án nhà ở thương mại, với nhiều chi phí “không tên”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, đầu tư nhà ở xã hội phải chịu thủ tục phức tạp, nhiêu khê hơn cả đầu tư dự án nhà ở thương mại, với nhiều chi phí “không tên”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ưu đãi đầu tư thực chất, hiệu quả

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án để làm nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư. Tuy nhiên, Thông tư 09/2021/TT-BXD quy định, toàn bộ phần lợi nhuận từ bán, cho thuê, cho thuê mua phần diện tích nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội được phân bổ giá thành bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, doanh nghiệp phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội cho biết, dù cho bán thương mại nhưng cuối cùng lợi nhuận lại quyết toán chung với dự án nhà ở xã hội và khống chế tổng lợi nhuận chung không quá 10%. “Thực tế đây không phải là ưu đãi và chủ đầu tư cũng không có lợi ích gì”, ông Nghĩa chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh, đầu tư nhà ở xã hội phải chịu thủ tục phức tạp, nhiêu khê hơn cả đầu tư dự án nhà ở thương mại, với nhiều chi phí “không tên”.

Tổng kết thực hiện Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng cũng nhận định, quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chung chung; chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư. Quy định cứng phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê để không, lãng phí, trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn…

Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng nhà ở thương mại để kinh doanh; phần kinh doanh diện tích nhà ở thương mại này được hạch toán riêng và dùng để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án…

Đa dạng cách thức đầu tư để huy động tối đa nguồn lực

Theo quy định tại Điều 57 Luật Nhà ở, đối với nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại Điều 53 của Luật này, cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh thực hiện lựa chọn nhà đầu tư như sau: Trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư.

Trong thời gian qua, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương đưa ra kêu gọi đầu tư và thu hút sự quan tâm của khá nhiều doanh nghiệp. Ngày 6/9/2022, Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 Lê Lai), phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng có sơ bộ chi phí thực hiện hơn gần 4.900 tỷ đồng mở thầu, với 3 nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án. Dự án Nhà ở xã hội Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa (tại mặt bằng quy hoạch Khu ở và dịch vụ thuộc Khu đô thị Bắc cầu Hạc) hơn 3.700 tỷ đồng mở thầu đầu tháng 9 cũng thu hút 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Trước đó, Dự án Khu nhà ở xã hội Nguyễn Tri Phương (Tiền Giang); Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Khóm 7, Phường 8, TP. Cà Mau... và nhiều dự án đã công bố danh mục thu hút được từ 2 nhà đầu tư đăng ký trở lên.

Thực tế này cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp và đấu thầu là hình thức được nhiều địa phương áp dụng để lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, trường hợp xây dựng nhà ở xã hội thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang công bố lấy ý kiến cũng đề xuất bãi bỏ quy định về lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu cho phù hợp với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM cho rằng, đất nước còn nghèo, nguồn lực có hạn, trong khi nhu cầu của nhân dân, của người có thu nhập thấp là rất lớn, nên cần phát huy các cơ chế khác nhau để đẩy mạnh đầu tư nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp vừa kinh doanh vừa vì trách nhiệm xã hội trong thời gian qua đã rất quan tâm đến đầu tư nhà ở xã hội. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc giữ nguyên cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội với trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất như quy định tại Luật Nhà ở hiện hành là cần thiết để tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã loại bỏ trường hợp doanh nghiệp tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội như thực tiễn hơn 10 năm qua, nên cần tiếp tục xã hội hóa, khuyến khích nhà đầu tư tư nhân “mua đất” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm nhà ở xã hội.

Chuyên đề