Một lượng vốn rất lớn từ khu vực tư nhân đã được huy động thông qua các dự án BOT, BT để phục vụ mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông |
Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế trong triển khai thực hiện các dự án này, khiến người dân hoài nghi, lo ngại về hiệu quả đầu tư, thất thoát tài sản công… Dự thảo Luật PPP có nhiều quy định để dự án BOT, BT thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn.
Khắc phục nhiều hạn chế trong triển khai BOT
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông luôn thiếu hụt trầm trọng so với nhu cầu. Giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu khoảng 952 nghìn tỷ đồng, nhưng khả năng cân đối chỉ 209 nghìn tỷ đồng. Hàng trăm nghìn tỷ đồng huy động được từ khu vực tư nhân thông qua các dự án BOT thời gian qua đã góp phần bù đắp thiếu hụt nguồn lực, giúp diện mạo hệ thống giao thông tại Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai dự án BOT đã có nhiều bất cập, hạn chế, trong đó nổi lên bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí. Thông tin về dự án BOT cũng chưa được công khai, tham vấn thực chất, khiến người dân bị đẩy vào thế đã rồi, trạm thu phí mọc lên mới biết bị thu phí, cơ quan giám sát cũng không có đầy đủ thông tin để thực hiện giám sát dự án BOT… Nhiều hạn chế, tồn tại khác cũng được nêu rõ tại Nghị quyết 437/2017/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Nguyễn Viết Huy cho biết, triển khai Nghị quyết 437/2017/NQ-UBTVQH14, Bộ GTVT đã nghiêm túc thực hiện chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu. Bộ GTVT đã chuyển hình thức đầu tư của 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi sang hình thức đầu tư công thuần túy. Đồng thời, đã đàm phán với các nhà đầu tư để dừng 4 dự án BOT đã ký hợp đồng, mới triển khai. Bộ GTVT chỉ thực hiện theo hình thức BOT với các dự án xây dựng mới và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ cao tốc.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Huy, Bộ GTVT đã rà soát tổng thể vị trí đặt trạm, thực hiện chính sách miễn, giảm giá. Đến nay, 4 trạm được di chuyển là Đức Phổ, Bàn Thạch, Ninh An, Bảo Lộc để đảm bảo khoảng cách theo quy định; không thành lập mới trạm Nam Hải Vân (hoàn vốn cho Dự án Hầm Đèo Cả); dừng thu phí tại trạm Đèo Ngang và trạm đường tránh TP. Hà Tĩnh do hết thời gian hợp đồng. Riêng một số trạm có tính chất đặc thù như Cai Lậy, trạm T2 - Quốc lộ 91 vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, không thể cân đối để mua lại các dự án. Tất cả các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đã được Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá.
Dự thảo Luật về đầu tư theo phương thức PPP cũng đưa ra nhiều quy định để khắc phục những hạn chế trong triển khai dự án BOT. Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Dự thảo Luật quy định đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin tại tất cả các bước như chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng; bổ sung cơ chế tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu ảnh hưởng của dự án. Đối với dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.
Đề xuất xác định giá trị quỹ đất dự án BT qua đấu thầu
Bên cạnh kết quả đạt được thì các dự án BT cũng còn nhiều tồn tại. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vi phạm điển hình trong đầu tư BT tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM - nơi bất động sản có giá trị cao. Đó là tổng mức đầu tư công trình BT quá cao; áp dụng chỉ định thầu tràn lan; xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán dự án BT không theo cơ chế cạnh tranh của thị trường, chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định… Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã có một số điều chỉnh nhằm khắc phục các tồn tại của hình thức đầu tư BT, nhưng các vấn đề vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tuy còn hạn chế nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng, với những địa phương ngân sách khó khăn, thì BT vẫn là hình thức có thể góp phần vốn hóa tài sản công, thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị. Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng, để tổ chức, quản lý hiệu quả loại hợp đồng BT, cần có khung pháp lý chặt chẽ hơn, cần có Luật PPP và trong đó có một chương riêng về BT…
Theo Bộ KH&ĐT, thực trạng giá đất đối ứng trong dự án BT không được xác định qua cạnh tranh có nguyên nhân sâu xa từ cách tiếp cận chính sách khi xây dựng Luật Đất đai. Theo đó, Luật chỉ hướng tới một phương thức cạnh tranh để khai thác giá trị gia tăng của đất. Đó là đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ chế này đòi hỏi phải có đất sạch để cơ quan nhà nước có thể quyết định giao, cho thuê ngay tại thời điểm có kết quả cạnh tranh về giá đất giữa các nhà đầu tư. Thực tế điều hành các hoạt động phát triển kinh tế cho thấy, không phải trong tất cả các trường hợp đều có thể thu xếp được quỹ đất sạch để đáp ứng điều kiện tổ chức đấu giá. Đây là một rào cản trong việc phát huy các nguồn lực đất đai cho phát triển.
Trong Tờ trình gửi Quốc hội về Dự thảo Luật PPP, Chính phủ báo cáo Quốc hội tiếp tục triển khai loại hợp đồng BT với các quy định chặt chẽ đang được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư BT bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác với cơ chế công khai, minh bạch. Đối với 2 cách thức thanh toán này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết hợp hai tiêu chí gồm giá trị công trình BT và giá trị tài sản công được thanh toán. Giá trị tài sản công được các bên xác định trong hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Tại thời điểm giao/cho thuê tài sản công, không phải xác định lại giá trị tài sản công mà nhà đầu tư phải nộp.
Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về “Nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao”, Dự thảo Luật bổ sung cách thức thanh toán bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công. Đối với cách thức thanh toán này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đấu thầu dự án BT và yêu cầu nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá tài sản công để có nguồn kinh phí thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư dự án BT; phần chênh lệch được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc ngân sách nhà nước phải bù.