Tăng cường nội lực để xuất khẩu bền vững

(BĐT) - 10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam gần bằng cả năm trước. Trong nhiều tháng, Việt Nam liên tục xuất siêu, góp phần đưa mục tiêu tăng trưởng toàn nền kinh tế 6,7% dần trở thành hiện thực. Đáng mừng hơn, xuất khẩu Việt Nam đang tăng trưởng dựa trên những nền tảng vững chắc.
Trong 10 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,56 tỷ USD. Ảnh: Quang Tuấn
Trong 10 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,56 tỷ USD. Ảnh: Quang Tuấn

Điểm sáng tăng trưởng kinh tế

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,5 tỷ USD, tăng 22,1%.

Cơ quan thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Điển hình là nhóm hàng điện thoại và linh kiện; dệt may; giày dép; thủy sản; hạt điều; rau quả…

Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan công bố số liệu xuất nhập khẩu ghi nhận, trong 10 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,56 tỷ USD. Riêng tháng 10/2017, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận mốc mới với kim ngạch xuất khẩu lên tới 20,29 tỷ USD và cũng là tháng có mức xuất siêu cao nhất tính từ đầu năm. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại trong năm 2017. Trước đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam cũng  thặng dư trong tháng 1 và tháng 4 năm nay nhưng chỉ có tháng 10/2017 là mức xuất siêu đạt trên 2 tỷ USD.

Với kết quả này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Đây là điều đáng mừng, bởi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam thì xuất siêu là một trong những yếu tố tích cực của nền kinh tế, không những thúc đẩy tăng trưởng về mặt con số mà còn cho thấy tăng trưởng kinh tế đang dựa trên các yếu tố bền vững”.

Ông Cung phân tích, Việt Nam xuất siêu chủ yếu ở hai nhóm hàng nổi bật là điện tử và nông sản. Trong đó, xuất khẩu nông sản với kim ngạch như 10 tháng qua là điều rất đáng mừng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp không có nhiều yếu tố thuận lợi, cùng với đó thị trường xuất khẩu nông sản là thị trường khá khắc nghiệt. Do vậy, kết quả xuất khẩu nông sản chứng tỏ chất lượng hàng hóa của Việt Nam đang có những bước tiến nổi trội trong tổ chức chuỗi sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khắt khe. 

Khơi dậy nội lực

Riêng tháng 10/2017, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận mốc mới với kim ngạch xuất khẩu lên tới 20,29 tỷ USD và cũng là tháng có mức xuất siêu cao nhất tính từ đầu năm.
Dù khá lạc quan với tăng trưởng xuất khẩu, song nhiều người còn tỏ ra lo ngại trước năng lực cạnh tranh thực sự của các DN xuất khẩu nội địa khi kim ngạch xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vậy đâu là giải pháp để nâng cao năng lực cho DN xuất khẩu Việt Nam? Về vấn đề này, ông Cung cho rằng: “Rõ ràng không phải giải pháp là dìm khối FDI xuống để nâng cao kim ngạch xuất khẩu của DN nội. Giải pháp tiên quyết cho vấn đề này là phải nâng DN nội địa lên, tăng sức cạnh tranh cho họ”. Theo hướng này, ông Cung cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, xóa bỏ rào cản kinh doanh. Về phía DN, phải tận dụng lợi thế cạnh tranh trong những ngành nghề có lợi thế nhằm nâng cao năng lực, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng quan điểm, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân nhấn mạnh, để thúc đẩy xuất khẩu, các DN trong nước không có lựa chọn nào khác là phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với các hiệp định thương mại tự do sắp tới, đặc biệt là EVFTA dự kiến ký kết vào năm 2018, xuất khẩu sẽ có thêm cơ hội mới để bứt phá. Về vấn đề này ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận: “EU là thị trường lớn, để nắm bắt được các cơ hội từ thị trường này, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào yếu tố bên ngoài để quyết định thành bại của chính mình. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tận dụng cơ hội từ bên ngoài để đẩy mạnh cải cách bên trong. Nếu chúng ta chỉ trông đợi bên ngoài mà bên trong không cải cách thì sẽ chỉ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Chuyên đề