Chỉ thị số 47/CT-TTg nêu rõ: “Đối với các gói thầu lớn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý công tác đấu thầu tại bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm yêu cầu chất lượng hoạt động đấu thầu, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu không nằm trong hạn mức nhưng áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo”.
Tại sao các gói thầu lớn lại được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý như vậy? Thực tế, thời gian qua, tình trạng kiến nghị, khiếu nại, tố cáo những tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu những gói thầu lớn diễn biến khá phức tạp. Nhiều khiếu kiện kéo dài, đã được nhà thầu gửi đích thân Thủ tướng Chính phủ. Những gói thầu lớn, thành phần nhà thầu tham gia đấu thầu thường là những doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm lâu năm. Do đó, ở những gói thầu này diễn ra “cuộc chiến ác liệt” trên nhiều phương diện, diễn biến phức tạp, khó lường. Tại đây, rất nhiều chiêu thức, mánh khóe đi ngược lại với các quy định về đấu thầu được các bên tung ra để hạ bệ đối thủ từ tinh vi đến trắng trợn, bất chấp dư luận. Thế nên mới có hiện tượng, tại một số gói thầu lớn, hiện tượng thi công trước khi đấu thầu vẫn ngang nghiên diễn ra dù báo chí phản ánh cụ thể, rõ ràng, nhiều lần. Điều đáng nói, dù có những bằng chứng rõ ràng “tố” việc thi công trước đấu thầu diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, cơ quan quản lý về đấu thầu tại địa phương, của ngành vẫn “án binh bất động”.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn yêu cầu các cơ quan quản lý công tác đấu thầu tại bộ, ngành, địa phương phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm tại các gói thầu lớn.
Một chuyên gia về đấu thầu bình luận, “gói thầu lớn, lợi ích nhóm càng lớn”. Do đó, việc lơ là, dễ dãi, bỏ qua, nhắm mắt làm ngơ từ cơ quan quản lý công tác đấu thầu tại địa phương, trong ngành với các chủ đầu tư/bên mời thầu là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính điều này dẫn đến mất niềm tin của các nhà thầu, đẩy tình trạng kiến nghị vượt cấp, khiếu kiện kéo dài thời gian qua.
Riêng với các gói thầu lớn, Chỉ thị số 47/CT-TTg còn yêu cầu: “Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chuyên sâu về công tác đấu thầu; thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý”. Thực tế, việc nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về đấu thầu ở các cấp liên quan trực tiếp, theo chỉ dẫn trong hồ sơ mời thầu đang bị coi nhẹ. Ngược lại, việc các nhà thầu gửi kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cao nhất ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ngay cả khi cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cấp cao nhất có ý kiến trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thì việc xác minh, xử lý diễn ra chậm chạp, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm.
Có thể nói, Chỉ thị số 47/CT-TTg đã “nội soi” rất nhiều bất cập và đề ra giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu tại các gói thầu lớn. Và để thực hiện nghiêm chỉ thị này, các cơ quan quản lý đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương sẽ phải thực sự nhập cuộc, lắng nghe tiếng nói của các nhà thầu nhằm nắm bắt kịp thời, xử lý tròn trách nhiệm khi có hiện tượng tiêu cực trong đấu thầu.