Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai hoặc hoạt động trong lĩnh vực công ích. Ảnh: Lê Tiên |
Nửa cuối năm, 89 doanh nghiệp phải cổ phần hóa
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 DN thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với tổng giá trị DN là 252 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, chỉ có Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và chính thức chuyển sang hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/7/2021.
Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 6/2021, đã có 183 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 489.943 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 39 DN thuộc danh mục 128 DN cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo danh mục được Thủ tướng phê duyệt trong nửa cuối năm 2021 là 89 DN, trong đó 88 DN chưa công bố giá trị DN để cổ phần hóa.
Từ năm 2016 - 2020, tổng số vốn thoái tại các DN là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, các DN đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính cho biết, cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ, nhưng tiến độ trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra dù thị trường chứng khoán thanh khoản tốt và các chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh.
Theo Cục Tài chính DN, nguyên nhân chậm tiến độ là do dịch bệnh khiến các hoạt động chuẩn bị như thuê tư vấn định giá DN, thực hiện roadshow chào bán cổ phần gặp khó khăn. Mặt khác, các DN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai hoặc hoạt động trong lĩnh vực công ích, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là tâm lý chờ đợi, thiếu quyết liệt trong thực hiện của người đứng đầu DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cũng như ban chỉ đạo cổ phần hóa của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Đẩy mạnh cả chất và lượng
Về triển vọng cổ phần hóa và thoái vốn trong 6 tháng cuối năm, ông Tiến cho rằng, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, cơ sở pháp lý thực hiện quá trình này cũng đầy đủ, song cần gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thay đổi nhận thức, chuẩn bị tổ chức thực hiện, kiểm điểm quá trình thực hiện thì mới có thể nhanh được.
“Quan trọng nhất là sau cổ phần hóa thì DN phải thay đổi về chất. Giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đã làm được một bước là nâng cao chất lượng cổ phần hóa, hạn chế thất thoát, tiêu cực và tăng tỷ lệ vốn nhà nước được bán, thu về giá trị cao. Giai đoạn này cần tiếp tục phát huy. Trong nửa cuối năm nay, nếu tập trung công tác điều hành, chỉ đạo, gắn trách nhiệm của cơ quan chủ sở hữu thì tiến độ cổ phần hóa sẽ khả quan hơn, đồng thời, đảm bảo yêu cầu về chất lượng”, ông Tiến nêu quan điểm.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng có công văn chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đã ban hành các cơ chế chính sách quan trọng như Quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và DN có vốn nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định phê duyệt danh mục DN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025…
Về phía các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính yêu cầu căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành đầy đủ, sớm chỉ đạo triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đề ra.