Chỉ có khoảng 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%. Ảnh: Ngọc Ký |
Cải thiện vốn lưu động
Điển hình cho việc hỗ trợ này là IFC, thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã tài trợ hơn 48 triệu USD cho 13 nhà cung cấp nội địa ở Việt Nam của 4 nhà thu mua quốc tế trong ngành dệt may thông qua Chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu (GTSF) được thực hiện từ năm 2013.
Chỉ ra những bất cập, IFC cho biết, chỉ có khoảng 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%. Trong khi đó, lẽ ra các DNNVV của Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nếu được hỗ trợ các dịch vụ tài chính phù hợp.
Đây cũng là vấn đề được đưa ra mổ xẻ tại Hội thảo quốc tế “Tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam” vừa diễn ra. Theo GS. TS. Nguyễn Mại, DNNVV ở Việt Nam chủ yếu quan hệ mua bán hàng hóa với nhau, chưa chú trọng hỗ trợ theo chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thống trị nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm, do thiếu vốn nên các DNNVV Việt Nam chưa đầu tư đúng mức vào đổi mới công nghệ, thiết kế sản phẩm, chưa tạo ra được thương hiệu Việt Nam, mà chủ yếu là gia công. Cơ cấu DN còn chưa hợp lý, chẳng hạn như ngành như dệt may, da giày chưa có cơ cấu đồng bộ. Thực tế là Việt Nam đang đứng ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu và đã đứng yên tại đó gần 1/4 thế kỷ.
Để khắc phục vấn đề thiếu hụt vốn ở các DNNNV tại Việt Nam, chuyên gia của IFC nhấn mạnh, việc tài trợ chuỗi cung ứng sẽ cho phép các nhà cung cấp cải thiện tình trạng thiếu vốn lưu động bằng việc chuyển hoá các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt một cách nhanh chóng và tiếp cận vốn với chi phí thấp dựa trên mức tín nhiệm tín dụng cao của bên mua. Sản phẩm tài trợ này cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhà cung cấp ở các thị trường mới nổi có thể thực hiện tài trợ cho các giao dịch thanh toán sau với lãi suất cạnh tranh. Điều này sẽ khiến cho các nhà cung cấp trở nên hấp dẫn hơn đối với bên mua là các công ty toàn cầu.
Cho vay theo chuỗi giá trị
Nói như ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, toàn cầu hoá đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các DN ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV, khi có thể tận dụng tính linh hoạt và năng động của mình để cạnh tranh. Do đó, việc tổ chức và số hoá quy trình chuỗi cung ứng hiện đại, liên kết giữa bên mua, nhà cung cấp và các định chế tài chính của họ sẽ giúp các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước có thể tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, mang lại điều kiện thuận lợi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển doanh nghiệp, mở rộng thị trường mới và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Phó Giám đốc quốc gia của Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) tại Việt Nam, ông Roman Windisch thì đề cao việc đảm bảo tính minh bạch và trung thực để SECO có thể tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường hơn nữa ở Việt Nam. Thực tế, trong suốt 20 năm qua, SECO cũng đã hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực tài chính Việt Nam, thông qua việc hỗ trợ phát triển chính sách và tái cấu trúc thị trường.
Riêng với chuỗi cung ứng, liên kết nông nghiệp có vai trò lớn của các DNNVV, bà Phạm Thị Thanh Tùng (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước) đề xuất cơ quan quản lý cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng các sản phẩm tín dụng, đẩy mạnh triển khai cho vay chuỗi liên kết gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp các bộ, ngành triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 xây dựng Nghị định về cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ yếu...