Mặc dù Phú Yên đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu nhưng thời gian qua tại địa phương này vẫn có nhiều kiến nghị về đấu thầu. Ảnh: Tâm An |
Hàng loạt văn bản chấn chỉnh
Liên tục trong thời gian qua, tỉnh Phú Yên ban hành nhiều văn bản đề cập đến việc chấn chỉnh công tác đấu thầu. Cụ thể, ngày 21/9/2017, UBND Tỉnh có Công văn chỉ đạo các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển.
Ngày 26/4/2018, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Ngày 6/6/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Phú Yên có văn bản triển khai đến các đơn vị hoạt động đấu thầu trên địa bàn Tỉnh thực hiện tinh thần của Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Bộ KH&ĐT.
Gần đây nhất, ngày 25/5/2020, Sở KH&ĐT Phú Yên tiếp tục có Văn bản số 1174/SKHĐT-TĐ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu thầu trên địa bàn Tỉnh.
Theo đó, tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các chủ đầu tư giải quyết kịp thời, thấu đáo các kiến nghị, phản ánh của nhà thầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, không để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài; thực hiện nghiêm túc những nội dung theo Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT ngày 22/7/2016 của Bộ KH&ĐT, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đặc biệt, Phú Yên yêu cầu các chủ đầu tư/bên mời thầu khi xây dựng hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu (HSMT/HSYC) không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu. Đồng thời, khi đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất (HSDT/HSĐX), phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu, theo các yêu cầu trong HSMT/HSYC, nội dung HSDT/HSĐX, tài liệu làm rõ HSDT/HSĐX (nếu có), bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.
Phú Yên cũng yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chuyên sâu về công tác đấu thầu. Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện những vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Những tồn tại dai dẳng nào cần khắc phục?
Nhiều biện pháp như vậy, nhưng thời gian qua, Phú Yên lại là địa phương có nhiều kiến nghị về đấu thầu. Trong đó có những kiến nghị kéo dài, vượt cấp.
Chính Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên cho biết, dù liên tục có chỉ đạo chấn chỉnh công tác đấu thầu, nhưng trong thời gian qua, trên địa bàn Tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp nhà thầu có đơn kiến nghị về các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá HSDT/HSĐX, kết quả đánh giá HSDT/HSĐX.
Đây cũng chính là nội dung mà Báo Đấu thầu thời gian qua liên tục có bài phản ánh về những kiến nghị của nhà thầu về HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu tại một số chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Cụ thể, năm 2018, một số gói thầu điện chiếu sáng ở TP. Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu đều bị nhà thầu tố có dấu hiệu thi công trước đấu thầu. Có gói thầu đã phải hủy thầu 3 lần bởi những tiêu chí bất thường trong HSMT. Gói thầu Xây dựng nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ quy mô chưa tới 10 tỷ đồng nhưng lại yêu cầu tối thiểu 4 hợp đồng tương tự và không cho nhà thầu làm rõ HSDT. Một nhà thầu tại TP.HCM đã kiến nghị liên tục về gói thầu kiểm toán đưa ra các tiêu chí mang tính cục bộ là hợp đồng tương tự trên địa bàn 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa...
Trước những kiến nghị của các nhà thầu, một số chủ đầu tư xử lý mang tính đối phó, cứng nhắc và không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của nhà thầu.
Do vậy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu ở địa phương, Sở KH&ĐT đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn Tỉnh phải nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các nội dung đã được quy định tại Chỉ thị số 47, Chỉ thị số 03, Chỉ thị số 09 của UBND Tỉnh để công tác đấu thầu trên địa bàn Tỉnh đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.