Vicem dự kiến lợi nhuận trước thuế của Công ty CP Xi măng Hạ Long năm 2018 đạt 130 tỷ đồng. Ảnh: Q. Trang |
Báo Đấu thầu đã tìm hiểu về nguyên nhân, cũng như tình hình kinh doanh của các đơn vị thua lỗ mà Vicem nhận tái cấu trúc thời gian qua.
Khoản lợi nhuận bất thường trong năm 2017
Theo nguồn tin từ Vicem, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó, Công ty mẹ Vicem đứng ra quản lý vốn đầu tư vào các công ty con và công ty liên doanh, liên kết. Lợi nhuận của Công ty mẹ Vicem phần lớn đến từ lãi được chia từ các khoản đầu tư và thể hiện trong phần doanh thu tài chính của báo cáo kết quả kinh doanh.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 thu về từ các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết của Vicem chỉ đạt hơn 527,3 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Vicem sụt giảm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Vicem cho biết, nửa đầu năm 2017, Vicem nhận được khoản lợi nhuận bất thường từ thương vụ thoái vốn của Tập đoàn LafageHolcim tại Holcim Việt Nam, một công ty liên doanh giữa Vicem và LafageHolcim. Cụ thể, Vicem nhận được 892,73 tỷ đồng từ thương vụ này. Trong đó, 714,35 tỷ đồng được chia từ lợi nhuận còn lại của Holcim Việt Nam, tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Vicem trong liên doanh, và 178,38 tỷ đồng khoản bồi thường.
Nửa đầu năm 2018, do không nhận được khoản lợi nhuận bất thường như trên, Vicem đạt lợi nhuận sau thuế 167,2 tỷ đồng, bằng 18,4% so với cùng kỳ năm 2017. Thực tế, nhiều công ty con và công ty liên doanh, liên kết của Vicem đều báo cáo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 ở mức 2 con số. Có thể kể đến: Vicem Hoàng Thạch (lãi ròng đạt 227,6 tỷ đồng, tăng 30%), Xi măng Hà Tiên 1 (lợi nhuận sau thuế đạt 323,6 tỷ đồng, tăng 44%), Xi măng Bỉm Sơn (lãi ròng đạt 18,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 lỗ 24,9 tỷ đồng)…
Tín hiệu tích cực từ tái cơ cấu công ty thua lỗ
Câu chuyện được nhiều nhà đầu tư quan tâm là tình hình tái cơ cấu 2 công ty thua lỗ: Công ty CP Xi măng Hạ Long (tiếp nhận từ Tổng công ty Sông Đà vào tháng 3/2016) và Công ty CP Xi măng Sông Thao (nhận lại từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị vào tháng 6/2017) của Vicem. Đây cũng là hai “đứa con” làm vỡ kế hoạch cổ phần hóa của Vicem trong nhiều năm qua, kể từ khi kế hoạch này được thông qua năm 2014.
Vicem cho biết, việc tái cơ cấu hai doanh nghiệp trên tập trung vào 4 trọng tâm, gồm: tái cơ cấu quản trị, sản xuất, tiêu thụ và tài chính. Nỗ lực của Vicem bước đầu đã giúp những doanh nghiệp này có lãi trở lại và có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh.
Hiện tại, Vicem đã thực hiện tăng vốn điều lệ 2 lần cho Xi măng Hạ Long sau khi tiếp nhận doanh nghiệp này với số tiền là 960 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long đã có lãi. Cụ thể, năm 2016 lãi 148,12 tỷ đồng. Năm 2017 báo lỗ 199,5 tỷ đồng nhưng là do ảnh hưởng của lỗ chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 312,15 tỷ đồng. Loại trừ khoản chênh lệch tỷ giá này thì hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long ghi nhận lãi 112,65 tỷ đồng. Vicem dự kiến lợi nhuận trước thuế của Xi măng Hạ Long năm 2018 đạt 130 tỷ đồng (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ). Xi măng Hạ Long đã lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng.
Đối với Xi măng Sông Thao, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 đạt 0,56 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 đạt 30 tỷ đồng. Đến nay, Xi măng Sông Thao cũng đã trả được 96,8 tỷ đồng cho Quỹ tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính. Dự kiến, công ty này phải trả nốt số nợ còn lại 22,4 tỷ đồng trong năm 2018.