NHNN sẽ cho phá sản đối với một số ngân hàng yếu, kém, không có khả năng tự tái cơ cấu |
LTS: Lãnh đạo một ngân hàng TMCP chia sẻ, thời gian qua, NHNN đã rất kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng (TCTD) yếu, kém, không thực hiện được phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt hoặc không có phương án tái cơ cấu.
Đồng thời tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện để xử lý TCTD yếu kém. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chênh lệch thu chi của hệ thống các TCTD ước tính trong 10 tháng đầu năm 2015 đạt 30,35 nghìn tỷ đồng (giảm 0,21% so với cùng kỳ năm 2014), các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh giảm (ROA bình quân đạt 0,52%, cùng kỳ năm ngoái là 0,58%; ROE bình quân đạt 5,79%, cùng kỳ năm ngoái là 6,2%) cho thấy, hoạt động của các TCTD yếu, kém vẫn tác động không nhỏ đến toàn hệ thống, cần có những hành động mạnh mẽ hơn trước sức ép hội nhập.
Cân nhắc xem xét cho các ngân hàng nước ngoài tham gia
Báo cáo Việt Nam 2035 cho biết, ngành ngân hàng đang vật lộn sau khi hứng chịu cú sốc lớn do khủng hoảng tài chính toàn cầu làm suy sụp thị trường bất động sản, do các ngân hàng đã cho vay kinh doanh bất động sản quá nhiều.
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình của ngành ngân hàng đã giảm hơn 1 điểm phần trăm kể từ khi xảy ra khủng hoảng (từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% năm 2012).
Trong khi đó, con số báo cáo về nợ xấu tăng, nhưng vẫn bị coi là chưa đầy đủ; trích dự phòng rủi ro thấp hơn mức trung bình tại các nước thu nhập trung bình khu vực Đông Á; nhiều khoản nợ xấu và khoản vay phải tái cơ cấu liên quan đến các DNNN.
Hơn nữa, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các ngân hàng tư nhân, giữa ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với DN, kể cả DNNN.
Mức độ tuân thủ với nguyên tắc cơ bản Basel có cải thiện, song vẫn còn thấp; còn nhiều ngân hàng không đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu để đối phó với rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động theo Basel II, trong khi đang hướng tới Basel III.
Bên cạnh đó, việc thanh tra tại chỗ còn hạn chế, nhất là đối với các NHTM Nhà nước; còn thiếu giám sát toàn diện ngân hàng. Ngoài ra, giám sát từ xa cũng cần phải tăng cường.
Lãnh đạo cao cấp Vietcombank nêu quan điểm, sức ép hội nhập đòi hỏi các ngân hàng cần phải khắc phục những thách thức từ chính nội tại: thứ nhất, xử lý cơ bản nợ xấu. Đây không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng yếu kém, mà còn là của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm làm sạch bảng tổng kết tài sản, lành mạnh hóa tình hình tài chính.
Thứ hai, tích cực chuyển dịch cơ cấu hoạt động. Tăng tỷ trọng đóng góp của hoạt động bán lẻ, của thu nhập từ hoạt động dịch vụ nói riêng và thu nhập phi lãi nói chung trong cơ cấu thu nhập. Bên cạnh đó, phải nỗ lực tăng trưởng các mặt hoạt động nhằm cải thiện các chỉ số hiệu quả, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro. Các NHTM cần phải thực hiện cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tổ chức theo hướng tập trung và chuyên mô hóa. Bên cạnh đó, phải dần áp dụng các thông lệ tốt nhất trong quản trị rủi ro, trước mắt là tuân thủ Basel II.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN cần tiếp tục chương trình tái cơ cấu giai đoạn 2 các ngân hàng yếu kém để đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, bớt đi những cạnh tranh không lành mạnh.
Hơn thế, để một số ngân hàng lớn khác trong nước có cơ hội lớn hơn nếu có khả năng sáp nhập, tăng quy mô, tăng năng lực hội nhập và đặc biệt, cần cân nhắc xem xét cho các ngân hàng nước ngoài tham gia.
Sẵn sàng cho phá sản TCTD yếu kém
Trao đổi với ĐTCK, ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng, Ernst & Young khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, Chính phủ và NHNN đóng vai trò then chốt để có thể thực hiện việc cho phá sản ngân hàng yếu kém.
Ông Keith khuyến nghị, thứ nhất, cần thiết lập một cơ chế phá sản đối với ngân hàng, làm thế nào để các sự kiện này xảy ra một cách phù hợp với quy định pháp luật, liệu có cần thiết phải chỉ định quản tài viên, bên quản lý-thanh lý tài sản và ai là người có quyền chỉ định (thông thường do công ty tự công bố, tương tự Hoa Kỳ hoặc quy trình được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước của ngân hàng).
Trong trường hợp NHNN được trao quyền để thực hiện việc này khi có các tài liệu cho thấy tài sản ròng của ngân hàng bị âm và ngân hàng không thể tồn tại lâu dài được.
Thứ hai, cần ban hành các quy định pháp luật làm nền tảng cho các giải pháp đã được đề cập ở trên (gồm sáp nhập, mua lại, giảm nợ hoặc xóa nợ và hỗ trợ tài chính), để thúc đẩy nhanh tiến trình giải quyết ngân hàng yếu kém. Nếu không, cần có quy trình để bảo vệ lợi ích người gửi tiền sao cho tốt nhất và cơ chế bảo hiểm tiền gửi là một cách tự hỗ trợ rất tiết kiệm thông qua thu phí các ngân hàng như là một phần của điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, tại thời điểm ban đầu, hoạt động bảo hiểm tiền gửi có thể cần đến sự hỗ trợ của chính phủ.
Cũng cần phải chú ý rằng, bảo hiểm tiền gửi nên đặt ra giới hạn bồi thường cho các bên, để đảm bảo phương pháp này là cách làm tiết kiệm nhất và không thay thế cho các gói hỗ trợ hoặc dẫn đến trường hợp chính phủ mắc nợ ngân hàng. Các bước liên quan đến pháp lý cần được cân nhắc một cách thận trọng và việc phân quyền là cần thiết để có thể thực hiện các bước này một cách nhanh chóng và thành công.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, mùa ĐHCĐ sắp đến, các cổ đông có lẽ cũng cần nghiêm túc khi đưa ra quyết định tiếp tục bỏ thêm vốn vào những ngân hàng yếu, kém hay không?
“Nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc các TCTD theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đến năm 2010, NHNN sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm các TCTD yếu, kém và đẩy mạnh cơ cấu lại các NHTM được NHNN mua lại. Triển khai biện pháp phá sản đối với một số TCTD yếu, kém không có khả năng tự tái cơ cấu, mà việc phá sản không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD và thị trường tiền tệ”, một quan chức NHNN chia sẻ.