Dự tính, hơn 60% các quốc gia trên toàn cầu sẽ có GDP năm 2021 vẫn ở mức thấp hơn năm 2019 - thời điểm trước đại dịch |
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư với biến thể Delta đang khiến cơn ác mộng quay trở lại với nhiều nền kinh tế toàn cầu, khi số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, các lệnh phong toả nghiêm ngặt được áp dụng trở lại, bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa cửa hàng và áp lệnh giới nghiêm…
Trong bối cảnh này, không ít nền kinh tế đối diện nguy cơ suy thoái kép - tình trạng nền kinh tế vừa vực dậy sau một cú sốc, thậm chí tăng trưởng trong ngắn hạn, trước khi nhanh chóng đối mặt với một đợt suy thoái khác.
Trong đó, gần gũi nhất là câu chuyện tại Thái Lan. Từ cuối tháng 7/2021, thủ đô Bangkok cùng 12 tỉnh khác - vốn đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng kinh tế Thái Lan phải áp lệnh phong toả và giới nghiêm khi biến chủng Delta đe doạ làm “sụp đổ” hệ thống y tế công của nước này. Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết, đại dịch bùng phát có thể khiến GDP giảm ít nhất 2 điểm phần trăm trong năm nay nếu không nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Các chuyên gia quốc tế thậm chí còn có cái nhìn kém tích cực hơn khi nhận định, nhiều khả năng Thái Lan phải trải qua một cuộc suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm nay. Thậm chí, Thái Lan có nguy cơ đối mặt với năm sụt giảm tăng trưởng GDP thứ hai liên tiếp - chính thức rơi vào suy thoái kép đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á đang trong cuộc chiến nhiều khó khăn, nhất là khi GDP năm 2020 ghi nhận mức sụt giảm 6,1% - mức tệ nhất trong hơn 2 thập kỷ.
Suy thoái kép không phải cơn ác mộng của riêng Thái Lan. Nỗi sợ hãi nền kinh tế rơi vào suy thoái kép cũng đang lan rộng tại Hàn Quốc, khi nhiều khả năng sẽ suy giảm trong quý III/2021.
Từ giữa tháng 8/2021, Cơ quan Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Hàn Quốc thường xuyên ghi nhận số ca nhiễm bệnh kỷ lục. Làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang tác động tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân và đầu tư doanh nghiệp, khiến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đối diện rủi ro suy thoái kép.
GDP quý II/2021 của Hàn Quốc tăng 0,7% so với quý trước đó, đánh dấu 4 quý tăng trưởng liên tiếp kể từ quý III/2020. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) từng đưa ra dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, nhưng tới hiện tại, con số này dường như bất khả thi.
Lee In-ho, nhà kinh tế tại Đại học quốc gia Seoul cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình không được tích cực như những dự báo trước đó. Tính tới tháng 7/2021, mỗi tháng quốc gia này phải chi hơn 1 nghìn tỷ won cho các khoản trợ cấp và bảo hiểm thất nghiệp. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, 12.000 việc làm tại ngành du lịch - nghỉ dưỡng và 186.000 việc làm tại lĩnh vực bán lẻ đã biến mất vì đại dịch.
Lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc cũng chịu tác động tiêu cực, khi các làn sóng dịch liên tiếp làm “đứt gãy” nhu cầu với sản phẩm và dịch vụ. Trong khi đó, lạm phát cũng là vấn đề đau đầu với giới chức nước này khi giá cả của các mặt hàng thiết yếu gia tăng, bởi giá dầu và giá nguyên liệu thô leo dốc.
Làn sóng lây nhiễm thứ tư, cùng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài cũng đe doạ đẩy nền kinh tế Australia vào suy thoái kép. Nhà kinh tế độc lập Saul Eslake tin rằng, Australia sẽ đối diện với suy thoái kinh tế nếu các lệnh phong toả kéo dài tới tháng 11/2021, thời điểm quốc gia này dự tính có thể đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine.
Tương tự, Jo Masters, kinh tế trưởng tại EY nhận định, nhiều khả năng nền kinh tế của Australia sẽ suy giảm trong quý III/2021, với việc các lệnh phong toả đang được áp dụng tại New South Wales, Victoria và cả phía Nam Australia.
Quan điểm của các nhà kinh tế này cũng tương đồng với thông tin mà Ngân hàng Dự trữ Australia đưa ra trong biên bản cuộc họp chính sách mới nhất. Theo đó, giới chức quản lý Australia nhìn thấy những rủi ro lớn với nền kinh tế, cũng như mối hiểm hoạ sức khoẻ của người dân trước đại dịch.
Thậm chí, các tổ chức kinh tế như AMP Capita cho rằng, nền kinh tế Australia hiện đã bước vào cuộc suy thoái thứ hai khi các số liệu theo dõi hoạt động kinh tế bao gồm chi tiêu thẻ tín dụng, việc làm, bán lẻ, chi tiêu tiêu dùng… đều cho thấy hoạt động kinh tế theo chiều hướng xuống dốc.
Theo báo cáo mới nhất vào tháng 7/2021 của Liên hợp quốc, nền kinh tế toàn cầu đang có sức mạnh để hồi phục, nhưng mọi nỗ lực vẫn được thực hiện trong một môi trường đầy biến động, khó đoán định. Mức độ hồi phục của mỗi nền kinh tế là rất khác biệt và sẽ không có kịch bản chung nào cho tất cả.
Một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phục hồi của các nền kinh tế trước cú sốc đại dịch Covid-19 là thời gian cần thiết để nền kinh tế đạt được mức GDP trước đại dịch. Kết quả dự tính cho thấy, hơn 60% các quốc gia trên toàn cầu sẽ có GDP năm 2021 vẫn ở mức thấp hơn năm 2019 - thời điểm trước đại dịch. Trong đó, viễn cảnh u ám nhất là với các quốc gia Mỹ La tinh và khu vực Caribe, nơi đa phần các nền kinh tế được dự báo chỉ đạt lại được mốc trước đại dịch cho tới năm 2023.