Sửa quy định về bán nợ cho VAMC: Buộc tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu

(BĐT) - Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu. Yêu cầu này được đặt ra ở thời điểm mùa ĐHĐCĐ các ngân hàng thương mại (NHTM) năm nay sắp diễn ra.
Các tổ chức tín dụng sẽ phải ưu tiên xử lý nợ xấu trước khi trả cổ tức. Ảnh: Minh Dũng
Các tổ chức tín dụng sẽ phải ưu tiên xử lý nợ xấu trước khi trả cổ tức. Ảnh: Minh Dũng

Tạo nguồn xử lý nợ xấu

Chuyện ngân hàng bán nợ và nhận trái phiếu đặc biệt vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt đã từng xảy ra. Năm 2018, báo cáo tài chính giữa năm 2018 của HDBank cho biết, ngân hàng này đang nắm giữ lượng trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành với tổng giá trị 1.598 tỷ đồng. Đây là tổng giá trị các khoản nợ xấu của 719 khách hàng được ngân hàng bán cho VAMC trong các năm 2014 và 2015.

Tuy nhiên, Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2018 của ngân hàng này đã thống nhất phê duyệt trả cổ tức đợt 1 năm 2017 bằng tiền mặt theo tỷ lệ thực hiện 13%/CP.

Để chấn chỉnh điều này, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 19/2013/TT-NHNN về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC (Dự thảo) nhấn mạnh nội dung này. Theo đó, các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.

Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm được thanh toán.

Các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.

Ban soạn thảo Dự thảo cho biết, việc quy định như vậy là để đảm bảo các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Theo đó, các quy định nêu trên sẽ kiểm soát được việc chia cổ tức của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các NHTM nhà nước) có khoản nợ xấu bán cho VAMC.

Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, việc chia cổ tức của các NHTM nhà nước vẫn phải được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Nghị định 93/2017/NĐ-CP. Do đó, quy định này trên thực tế sẽ không áp dụng đối với việc chia cổ tức của NHTM nhà nước.

Bình luận về quy định này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, quy định như vậy là phù hợp để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".

“Các tổ chức tín dụng cần ưu tiên xử lý nợ xấu trước khi trả cổ tức là điểm tích cực để cục máu đông nợ xấu được giải quyết nhanh hơn. Tổ chức tín dụng có thể dùng số tiền dự định trả cổ tức để thực hiện nhiều biện pháp cần thiết làm giảm nợ xấu. Đây là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay”, ông Lực nhấn mạnh. 

Chặt chẽ về điều kiện các khoản nợ

Tổ chức tín dụng có thể dùng số tiền dự định trả cổ tức để thực hiện nhiều biện pháp cần thiết làm giảm nợ xấu. Đây là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh nội dung về chi trả cổ tức bằng tiền mặt, Dự thảo cũng làm rõ quy định về điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Theo đó, khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ và nhấn mạnh “tối thiểu phải đảm bảo hai yêu cầu”. Một là, hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng.

Hai là, khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ.

Quy định này được đưa ra theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra Chính phủ qua quá trình thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu.

Chuyên đề