Luật Giá (sửa đổi) được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch. Ảnh: Nhã Chi |
Bộ Tài chính cho biết, Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013; đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.
Tuy vậy, sau 9 năm thi hành Luật đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế. Một số nội dung còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng; một số quy định không còn phù hợp; một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được thể chế tại Luật.
Trên cơ sở việc đánh giá chi tiết cho thấy việc ban hành Luật Giá (sửa đổi) là cần thiết bởi một số lý do.
Một là, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho thực hiện.
Hai là, để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Ba là, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.
Bốn là, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.