Sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Bỏ rào cản gia nhập thị trường

(BĐT) - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) ra đời đã góp phần xóa bỏ những rào cản không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng. 
 
Việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang
Việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang

Song, sau hơn 2 năm thi hành, thực tiễn đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của 2 đạo luật này.

Thường xuyên, liên tục xóa bỏ rào cản trong đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có việc ban hành Luật Đầu tư và Luật DN.

Song, thực tiễn hơn 2 năm thi hành Luật Đầu tư, Luật DN đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành nghề đầu tư, kinh doanh nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN. 

Bên cạnh đó, 2 luật này có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau, nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư.

Mặc dù có nhiều cải cách nhưng một số quy định của 2 luật này vẫn còn thiếu cụ thể, chưa thật sự đảm bảo khả thi. Đơn cử, Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng, đồng thời chưa phân định rõ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu…

Luật Đầu tư cũng còn một số nội dung thiếu cụ thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư. 

Bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi

Trước những hạn chế, thiếu sót trên, Bộ KH&ĐT đang đề xuất Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật này với mục tiêu tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, DN. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật sẽ bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật DN, Luật Đầu tư gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.

Cùng với đó, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công nghệ.

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung 5 nhóm vấn đề của Luật Đầu tư và Luật DN, đó là: các quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật và điều ước quốc tế có liên quan; các quy định về ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh; các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và bảo đảm đầu tư; các quy định thủ tục và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài; các quy định về thủ tục đăng ký DN và quản trị DN.

Cụ thể, sẽ tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, thiếu tính khả thi (dự kiến đề xuất bãi bỏ 21 ngành nghề không đáp ứng yêu cầu đặt ra vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; bổ sung 2 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để thống nhất với Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản) nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho DN…

Chuyên đề