Chính phủ vừa ban hành Nghị định 18/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Cụ thể, về quyền của Công ty Quản lý tài sản, Nghị định 18/2016/NĐ-CP bổ sung quy định: Đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, hàng năm, Công ty Quản lý tài sản được thu một số tiền theo một tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tính trên số dư nợ gốc còn lại cuối kỳ của khoản nợ đang được hạch toán nội bảng trên bảng cân đối kế toán của Công ty Quản lý tài sản.
Đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản được thu một số tiền trên số tiền thu hồi khoản nợ xấu theo tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính trừ đi số tiền Công ty Quản lý tài sản đã thu theo quy định trên, trong trường hợp số tiền thu được từ thu hồi khoản nợ xấu lớn hơn số tiền đã thu trên. Còn trong trường hợp số tiền này nhỏ hơn số tiền Công ty Quản lý tài sản đã thu theo quy định trên thì Công ty Quản lý tài sản không phải hoàn trả tổ chức tín dụng số tiền đã thu theo quy định trên.
Trước đó, Nghị định 53/2013/NĐ-CP chỉ quy định Công ty Quản lý tài sản được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
Thời gian gia hạn trái phiếu đặc biệt không quá 10 năm
Nghị định 18/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 14 Nghị định 53/2013/NĐ-CP như sau: Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.
Tổ chức tín dụng được phân bổ dần vào chi phí hoạt động phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ trừ đi giá trị mua bán của khoản nợ được mua theo giá trị thị trường và giá trị khoản dự phòng rủi ro đã trích cho chính khoản nợ được mua bán theo nguyên tắc: a- Đối tượng được phân bổ là tổ chức tín dụng bị lỗ hoặc khi thực hiện việc phân bổ ngay phần chênh lệch này sẽ dẫn đến bị lỗ; b- Việc phân bổ được thực hiện trong thời hạn tối đa không quá 5 năm từ thời điểm bán nợ. Số tiền phân bổ hàng năm không được thấp hơn chênh lệch thu chi (chưa bao gồm số tiền phân bổ). Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc phân bổ này.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung thêm quy định về việc gia hạn trái phiếu đặc biệt. Theo đó, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Công ty Quản lý tài sản gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt đã phát hành để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính. Tổng thời hạn gia hạn và thời gian gốc của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 năm kể từ ngày phát hành. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về việc gia hạn đối với trái phiếu đặc biệt.