Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản: Bám sát 3 chính sách đã được Chính phủ thông qua

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản vừa tổ chức phiên họp lần thứ nhất, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp đối với quy định về bước giá; thời gian đào tạo nghề đấu giá viên, sửa đổi, bổ sung một số quy định đối với một số loại tài sản đấu giá có tính chất đặc thù.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đặt vấn đề, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định tần số vô tuyến điện là tài sản công. Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá gồm: Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.

Trong khi đó, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 cũng quy định đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, có một số đặc thù của việc đấu giá tài nguyên tần số, như phải trải qua vòng sơ loại, số lượng mua bị hạn chế. Vì vậy, cần nghiên cứu thống nhất giữa các luật để tạo tính cạnh tranh trong đấu giá loại tài sản đặc thù này.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) chia sẻ, Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản THADS. Quá trình để đưa tài sản THADS ra bán đấu giá thường tốn nhiều thời gian; trong khi đó, nhiều tài sản khó bán do tâm lý e ngại của người mua. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trên, ông Sơn cho rằng, khi sửa Luật Đấu giá tài sản cần nghiên cứu các cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản THADS. Cùng với đó, tiến tới sửa đổi các quy định của Luật THADS để đảm bảo tính đồng bộ trong việc bán đấu giá đối với tài sản này.

Một nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập là quy định về “bước giá”. Cụ thể, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đang sử dụng khái niệm “bước giá là chênh lệch lần sau với lần trước” và có quy định mức chênh tối thiểu. Tuy nhiên, một đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lại chưa nói rõ được mức chênh giữa lần sau với lần trước, bao gồm cả tối thiểu, tối đa, cả biến động.

Cũng quan tâm tới quy định về “bước giá”, đại diện Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đề xuất giữ lại định nghĩa “bước giá” tại luật cũ, bước giá phải định nghĩa là 1 khoản tiền cố định, không quy định chung chung. Góp ý thêm một số nội dung khác, đại diện VAMC cho rằng, quy định thời gian tiếp nhận hồ sơ từ 8 - 17 giờ là không khả thi, bởi mỗi địa phương lại quy định giờ làm việc khác nhau. Đặc biệt, nếu tổ chức doanh nghiệp làm việc ngày thứ Bảy và chốt thời gian hoàn tất khoản tiền đặt trước vào ngày này, trong khi đó tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước không làm việc vào ngày thứ Bảy thì khách hàng không thể thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, thay vì quy định thông báo công khai danh sách khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá, đại diện VAMC cho rằng, chỉ nên thông báo trực tiếp đến người không đủ điều kiện để họ nắm được lý do. Về đấu giá gián tiếp, không nên quy định nộp hồ sơ, tiền đặt trước rồi mới nhận được phiếu trả giá bởi sẽ gây thêm thủ tục hành chính cho người dân, dễ tạo cơ hội khách hàng gặp nhau thông đồng dìm giá.

Thực tế hiện nay đang có hơn 1.000 đấu giá viên hành nghề, có ý kiến đặt vấn đề, cần thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ này để kịp thời nắm bắt các quy định liên quan đến đấu giá tài sản, tránh sai phạm khi thực hiện nhiệm vụ. Nếu giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá viên thì chỉ nên miễn tín chỉ về đào tạo pháp luật. Một số nội dung góp ý khác gồm các đề xuất liên quan tới quy định giới hạn bước giá tối đa, tối thiểu bởi nếu để cho người bán tài sản quyết định thì nhiều trường hợp tài sản bán không thành vì bước giá quá cao. Cùng với đó, cần làm rõ trong cuộc đấu giá tài sản đặc thù, nếu chỉ có 1 người trả giá thì xác định là đấu giá không thành hay không bán tài sản.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi yêu cầu, bộ phận thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bám sát kế hoạch đã được ban hành để chủ động triển khai các công việc đảm bảo đúng tiến độ. Thứ trưởng yêu cầu, bộ phận thường trực chủ động phối hợp chặt chẽ với đầu mối các bộ, ngành, đặc biệt cần bám sát 3 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại đề nghị xây dựng Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung; trong đó tập trung sửa ngay các điều luật còn gây ra vướng mắc trong thực tiễn, đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến thì cần đánh giá tác động một cách kỹ càng.

Chuyên đề