Sự cố công trình gần 3.000 tỷ đồng tại Kiên Giang: Nhà thầu thiếu giải pháp thi công an toàn?

(BĐT) - Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang được khởi công xây dựng vào ngày 28/4/2015. Công trình do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư, sau gần một năm triển khai đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân chính để xảy ra sự cố này?
Gói thầu san lấp mặt bằng và nền móng trị giá 70 tỷ đồng do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Trường Phát và Công ty cổ phần Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng Hà Nội thi công. Ảnh: Phúc Khang
Gói thầu san lấp mặt bằng và nền móng trị giá 70 tỷ đồng do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Trường Phát và Công ty cổ phần Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng Hà Nội thi công. Ảnh: Phúc Khang

Cọc nghiêng lệch tim

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang có quy mô 1.200 giường, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Đây là dự án lớn với hàng chục gói thầu khác nhau. Trong đó, gói thầu san lấp mặt bằng và nền móng trị giá 70 tỷ đồng do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Trường Phát và Công ty cổ phần Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng Hà Nội thi công. Hạng mục này chỉ mới thực hiện đóng xong 959 cọc thì xảy ra sự cố có 136 cọc bị nghiêng lệch tim.

Liên quan đến sự cố này, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, theo đánh giá bước đầu của các chuyên gia Bộ Xây dựng, nguyên nhân của sự cố ép cọc bị nghiêng do nền đất yếu, việc ép cọc rơi vào thời điểm mưa nhiều; đơn vị thi công chưa có kinh nghiệm, thiếu giải pháp thi công đảm bảo an toàn, không thực nghiệm việc ép cọc thử để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố xảy ra. Đơn vị tư vấn thiết kế cũng có lỗi là chưa hướng dẫn chi tiết biện pháp thi công, không lường được những vấn đề phát sinh, nên để xảy ra tình huống xấu trên công trường.

“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì chưa có bên nào chịu nhận phần lỗi về mình, để xác định rõ nguyên nhân sự cố công trình này thì phải chờ kết luận của Viện Khoa học công nghệ của Bộ Xây dựng thẩm định toàn diện về thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công và những vấn đề khác có liên quan” - ông Mai Anh Nhịn nói.

Theo ông Mai Anh Nhịn, khoảng trung tuần tháng 11/2015, khi thực hiện đổ bê tông hạng mục móng công trình, đơn vị thi công và chủ đầu tư phát hiện một số cọc bị nghiêng lệch vượt quá quy định cho phép. Sở Xây dựng Kiên Giang đã cử cán bộ chuyên ngành đến hiện trường và đánh giá ban đầu chỉ là sự cố kỹ thuật, đồng thời thực hiện nghiệp vụ chuyên môn để xác định nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, quá trình tìm nguyên nhân, xử lý sự cố thì bộ phận kỹ thuật tiếp tục phát hiện thêm nhiều cọc khác bị nghiêng lệch. Xác định đây không còn là lỗi kỹ thuật, mà là sự cố công trình nghiêm trọng, với hơn 100 cọc bê tông ép xuống đất làm nền móng công trình bị nghiêng lệch, nên UBND tỉnh chỉ đạo Chủ đầu tư là Sở Y tế cho dừng thi công, đồng thời UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có công văn báo cáo sự việc và đề nghị Bộ Xây dựng cử chuyên gia cùng với địa phương tìm nguyên nhân xảy ra sự cố, xác định mức độ sai sót của các bên để có hướng xử lý, khắc phục.

Theo dự kiến ban đầu, công trình sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2018. Tuy nhiên, từ sau khi xảy ra sự cố đến nay, tiến độ thi công công trình đã bị chậm mất 2 tháng. Để đảm bảo được tiến độ của công trình, UBND Tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công lập lại tiến độ thi công, đưa vào các giải pháp xây dựng để làm sao đảm bảo được tiến độ. Trong khi chờ đợi kết luận chính thức nguyên nhân và biện pháp khắc phục từ Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho phép đơn vị thi công tiếp tục thi công những hạng mục không liên quan đến số cọc bị nghiêng, ông Mai Anh Nhịn cũng khẳng định việc cho phép thi công tiếp ở những hạng mục phụ sẽ không làm ảnh hưởng đến công việc của đoàn kiểm định cũng như không ảnh hưởng đến chất lượng của công trình sau này.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, mới đây, phía đơn vị tư vấn thiết kế công trình Bênh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang là Công ty Azusa Sekkei, Nhật Bản đã đề xuất 3 phương án để khắc phục sự cố cọc.

Theo đó, phương án thứ nhất là không sử dụng các cọc bị nghiêng, ép cọc mới thay thế hoàn toàn. Phương án thứ hai là thử tải xác định khả năng chịu lực của các cọc bị nghiêng, nếu chịu lực tốt đạt khoảng 70% theo thiết kế trở lên thì giữ lại và mở rộng móng, gia cố thêm cọc. Phương án ba là ép cọc bổ sung kết hợp với hạ thấp cao trình đáy, gia cố giàn móng đảm bảo chịu lực công trình. Đơn vị tư vấn thiết kế đang khẩn trương hoàn chỉnh 3 phương án này trong tháng 3/2016 để chủ đầu tư lập thủ tục trình Bộ Xây dựng xem xét. 

Nhà thầu nói gì?

Ông Vương Đức Trường - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát, đại diện liên danh nhà thầu cho biết: Trước Tết Nguyên đán, đơn vị đã thi công hoàn tất việc đóng 959 cọc, quá trình thi công và phương án thi công đều đảm bảo. Nguyên nhân xảy ra sự cố có thể do mặt bằng thi công là khu lấn biển, địa chất yếu có nhiều bùn nhão không giữ chặt cọc nên xảy ra hiện tượng cọc bị xô nghiêng lệch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Phúc - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án lấn biển TP. Rạch Giá thì cho rằng khu lấn biển đã hình thành trên 18 năm nên có thể nói địa tầng khu vực này đã ổn định, nơi đây cũng có nhiều công trình cao tầng được xây dựng nhưng chưa thấy có sự cố gì.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành xây dựng, đối với những công trình quy mô lớn, cao tầng như Bệnh viện Đa khoa 1.200 giường ở Kiên Giang thì các khâu về khảo sát, thăm dò địa chất được thực hiện rất kỹ càng, từ đó mới đưa ra được giải pháp nền móng công trình. Do đó, các chỉ tiêu về địa chất tại mặt bằng thi công đã được biết trước, chứ không thể thi công rồi mới biết.

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về sự cố tại dự án này. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư